Nghệ thuật dùng người của Hồ Chí Minh
Dùng người là một nghệ thuật. Tư tưởng Hồ Chí Minh về “phép dùng người” đã đi vào kinh điển và nâng bước Hồ Chí Minh vào hàng ngũ bậc thầy của lĩnh vực này.
Công chức Nguyễn Thị Bé (Sở Tư pháp) hướng dẫn người dân viết hồ sơ hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung cấp tỉnh. Ảnh: PHÚC LƯU |
Con người là vốn quý nhất, “vô luận việc gì đều do con người làm ra”. Từ luận điểm đó, bằng những ngôn từ bình dị, dân dã nhưng ở tầm cao triết lý, Hồ Chí Minh đã để lại di sản quý giá về cách dùng người. Người căn dặn: Sử dụng con người, sử dụng cán bộ là một việc hệ trọng, đòi hỏi phải: “Hiểu cán bộ. Khéo dùng cán bộ. Cân nhắc cán bộ. Thương yêu cán bộ. Phê bình cán bộ”. Người cho rằng: Dùng người là để “thực hành đầy đủ chính sách của Đảng và Chính phủ” nên phải “khéo dùng” để phát huy tối đa khả năng của họ và mang lại lợi ích cao nhất cho nhân dân. “Khéo dùng” là sử dụng hợp lý, đúng lúc, đúng chỗ, đúng năng lực, sở trường, đúng người, đúng việc. Ở đời không có ai “cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay”, do vậy khi sử dụng phải “khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu của họ”.
Đỉnh cao của nghệ thuật dùng người ở Hồ Chí Minh là sắp xếp, bố trí con người, bố trí cán bộ tinh tế, nhạy cảm như những nghệ sĩ thực thụ: “Cái tài của người nghệ sĩ là cảm nhận được cung bậc trên từng phím đàn mà gửi gắm tình cảm của mình vào đó để tạo nên những âm thanh nói hộ trái tim mình. Còn người lãnh đạo có hiểu rõ cán bộ mới giao đúng người, đúng việc”. Dùng người đúng thì “tài nhỏ hóa tài to”, nếu không đúng thì “tài to cũng hóa tài nhỏ”. Người phê phán: “Người viết giỏi nhưng nói kém lại dùng vào những việc cần phải nói. Người nói khéo nhưng viết xoàng lại dùng vào công việc viết lách”; nguy hại hơn “thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao, thành thử cả hai đều lúng túng”. Ngay cả người tài, nếu “không dùng đúng tài của họ cũng không được việc” và hậu quả lớn hơn làm “thui chột” nhân tài, lãng phí nghiêm trọng nguồn “nguyên khí” quý báu của quốc gia.
Người dạy: Trong phép dùng cán bộ “phải có gan đề bạt, cân nhắc”. Khi đã xem xét kỹ, nếu đủ tiêu chuẩn, không được rụt rè, nếu cán bộ còn mặt nào đó chưa hoàn thiện thì cũng “đừng quá khắt khe”. Phải đặt trọn niềm tin, mạnh dạn giao trách nhiệm cho họ, tạo ra khoảng không gian rộng lớn để họ tự do sáng tạo: “Thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ”, để cho họ “tùy cơ ứng biến”, “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến, có gan phụ trách, có gan làm việc”, đừng bao biện “sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác”. Tạo ra “đất dụng võ” sẽ làm cho họ phấn khởi, mạnh dạn, tự tin vào năng lực của mình, dám làm, dám chịu trách nhiệm để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành nhiệm vụ. Ngược lại, “nếu không tin cán bộ, sợ họ làm không được, rồi việc gì mình cũng nhúng vào. Kết quả thành chứng bao biện, công việc vẫn không xong. Cán bộ thì vơ vẩn cả ngày, buồn rầu, nản chí”. Người còn dặn: Đã cân nhắc cán bộ thì phải quan tâm giúp đỡ họ khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, hạn chế; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện các chính sách đãi ngộ tương xứng để họ yên tâm, gắn bó, toàn tâm, toàn ý với công việc.
Nghệ thuật dùng người của Hồ Chí Minh là tạo ra sự hài hòa, “kết thành một khối, không phân biệt, không kèn cựa” giữa “cán bộ cấp trên phái đến và cán bộ địa phương”; giữa “cán bộ cũ và cán bộ mới”. Cán bộ dù tăng cường hay tại chỗ, dù cũ hay mới đều phải “tôn trọng nhau, học lẫn nhau, đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ nhau, bồi đắp nhau”.
Với tầm nhìn minh triết, tấm lòng chân thành, cái tâm chỉ một mục đích duy nhất phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, Hồ Chí Minh đã thu phục, quy tụ được tất cả những người tài đức đi theo cách mạng. Những quan lại của chế độ cũ; những nhân sĩ, trí thức; những đại trí thức làm việc ở nước ngoài, trong tổ chức văn hóa – khoa học của Pháp ở Đông Dương; những người tài đức trong các tầng lớp xã hội... đều được Người trọng dụng, bố trí, sắp xếp “đúng người, đúng tài, đúng việc”. Và không phụ lòng Người, họ đã âm thầm cống hiến hết tài năng, sức lực đến trọn đời phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.
Tuy có nhiều tiến bộ, nhưng “phép dùng người” trong nhiều năm qua vẫn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém. Hội nghị lần thứ Bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đánh giá: “Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc; Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, cánh hẩu xảy ra một số nơi”; Công tác tuyển dụng, thi tuyển công chức, viên chức còn nhiều hạn chế; Thu hút trí thức trẻ và người có trình độ cao chưa đạt yêu cầu…”. Nhiều thập kỷ đã trôi qua, nhưng nghệ thuật dùng người của Hồ Chí Minh vẫn là “cẩm nang thần kỳ” trong công tác cán bộ. Nghiêm túc, trung thực soi vào những lời Người dạy, kiên quyết trong hành động để sửa chữa, khắc phục, đặc biệt là chấn chỉnh “cái tâm” của những người làm công tác cán bộ, thì chắc chắn việc sử dụng cán bộ sẽ trở về đúng tư tưởng Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đất nước cũng như kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân.
Nguyễn Quang Phi