.

Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII): Đề xuất nhiều quan điểm mới, toàn diện về công tác cán bộ

Cập nhật: 17:49, 08/05/2018 (GMT+7)

Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” trình Hội nghị Trung ương 7 (Khoá XII), trong đó đề xuất nhiều quan điểm mới, toàn diện hơn về lĩnh vực này.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ trao đổi về công tác cán bộ. Ảnh: PHÚC LƯU
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ trao đổi về công tác cán bộ. Ảnh: PHÚC LƯU

Theo ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ 4, Ban Tổ chức Trung ương, cán bộ cấp chiến lược được hiểu là lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước; lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương. Đây là những người có trọng trách ra quyết sách và giải quyết các vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước, quốc gia, thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với khoảng 600 người. Cán bộ cấp chiến lược có vai trò đặc biệt quan trọng, có trách nhiệm lớn đối với vận mệnh của Đảng, tương lai của đất nước. Thực tế cho thấy, trong cùng một điều kiện, hoàn cảnh như nhau, nhưng kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị khác nhau là do đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu.

ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ GẮN VỚI KẾT QUẢ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ

Trên cơ sở kế thừa, bổ sung và phát triển các quan điểm của Đảng về công tác cán bộ, Đề án đã đề xuất nhiều quan điểm mới, toàn diện hơn về lĩnh vực này. Theo đó, cùng với những tiêu chuẩn chức danh thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cán bộ cấp chiến lược phải đáp ứng thêm các yêu cầu như có khát vọng đưa đất nước phát triển, tầm nhìn xa trông rộng và khả năng truyền cảm hứng... Việc đánh giá cán bộ cấp chiến lược sẽ gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của lĩnh vực, ngành, địa phương và so sánh với các chức danh tương đương; đánh giá để bổ nhiệm và bầu cử phải trực tiếp khảo sát, gặp gỡ, trao đổi đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan và tiếp nhận ý kiến phản ánh, đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân để nắm rõ cán bộ. “Quy trình đánh giá cũng được đổi mới theo hướng bản thân tự đánh giá, tập thể và cấp trên đánh giá, rồi cấp dưới và người dân nơi cư trú đánh giá khi cần thiết, nghĩa là đánh giá 360 độ”, ông Hưng nói.

Cán bộ quy hoạch vào các chức danh cấp chiến lược phải được đào tạo toàn diện về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng và nghệ thuật lãnh đạo, quản lý, tin học, ngoại ngữ theo chương trình chuyên biệt. Những người này cũng được định kỳ bổ sung, cập nhật kiến thức mới theo từng nhóm đối tượng, luân chuyển để giữ chức danh cấp trưởng ở những địa bàn, lĩnh vực trọng yếu, có nhiều khó khăn và những nơi đang hoặc sẽ triển khai mô hình mới phù hợp với chức danh quy hoạch.

Ban soạn thảo Đề án cũng đề xuất, việc bầu cử, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện theo hướng mở rộng dân chủ, có số dư, cạnh tranh lành mạnh ở tất cả các chức danh. Ứng viên phải trình bày chương trình hành động, cam kết chịu trách nhiệm, bầu cử kết hợp với thi tuyển.

NGƯỜI TRẺ CÓ TÀI ĐƯỢC ƯU TIÊN VÀO VỊ TRÍ LÃNH ĐẠO, KỂ CẢ VƯỢT CẤP

Ban soạn thảo Đề án cũng đề xuất xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng; xác định rõ khái niệm tiêu chí về nhân tài cũng như quan điểm phát triển, việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát huy; những cơ chế, chính sách để nhân tài phát triển, gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược. Trong đó, Đề án đưa ra cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ trẻ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp.

“Khi thu hút nhân tài, chúng ta quan tâm đến việc họ có tâm, có tài, có nhu cầu cống hiến cho đất nước thì đều được trọng dụng. Tuy nhiên, tuỳ từng vị trí lãnh đạo quản lý mà có tiêu chuẩn, điều kiện riêng. Quá trình đất nước phát triển chúng ta sẽ có những quy định cụ thể trong từng giai đoạn”, ông Phạm Quang Hưng nói.

BÍ THƯ CẤP TỈNH, HUYỆN KHÔNG LÀ NGƯỜI ĐỊA PHƯƠNG

Hàng loạt giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ cũng được Ban soạn thảo Đề án đưa ra, trong đó có thực hiện nhất quán việc bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức danh Chủ tịch UBND. Đề án cũng xác định việc kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ là khâu đột phá. Cơ chế kiểm tra, giám sát sẽ được thực hiện đồng bộ theo hướng cấp trên kiểm tra, giám sát cấp dưới; kiểm tra, giám sát nội bộ, giám sát chéo giữa các cơ quan, tổ chức; giám sát của nhân dân thông qua cơ quan dân cử và vai trò của truyền thông. Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra dấu hiệu vi phạm của cấp dưới và kịp thời xử lý.

HÌNH THÀNH VĂN HÓA NÓI KHÔNG VỚI CHẠY CHỨC, CHẠY QUYỀN

Đề án đưa ra quyết tâm chặn đứng tiêu cực và triệt để chống tình trạng chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Theo ông Phạm Quang Hưng, hành vi chạy chức, chạy quyền sẽ được coi là tham nhũng trong công tác cán bộ để nhận diện rõ và đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện. “Phải nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và hình thành văn hóa nói không với chạy chức, chạy quyền”, ông Phạm Quang Hưng nói.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Vụ trưởng Vụ 4 của Ban tổ chức Trung ương cho biết, trước hết phải chuẩn hóa quy trình, quy định về công tác cán bộ, tăng cường công tác kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm, thu hồi các quyết định sai trái. Đề án nêu trên được xây dựng đảm bảo sự đồng bộ, hiệu quả với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

“Nếu được Trung ương thông qua và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ thì Đề án sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới”, ông Phạm Quang Hưng nói.

VGP-NGỌC NGUYỄN

Trung ương thảo luận Đề án về công tác cán bộ

Tiếp tục ngày làm việc thứ 2, ngày 8-5, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII thảo luận tại hội trường về Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên thảo luận.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên thảo luận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên thảo luận.

Thảo luận tại Hội trường, các vị Ủy  viên Trung ương đều đánh giá cao Đề án được trình tại Hội nghị Trung ương lần này; cho rằng đây là một đề án lớn, quan trọng, thực sự cần thiết và cấp bách trong bối cảnh đất nước hiện nay. Đề án được chuẩn bị nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm; quá trình xây dựng được thực hiện bài bản, công phu, dân chủ, qua nhiều bước quy trình. Các giải pháp, nhiệm vụ được đề ra trong Đề án có tính thực tiễn, khả thi cao…

ĐỒNG CHÍ LƯU TÀI ĐOÀN, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC TỈNH ỦY:

Công tác cán bộ là khâu ưu tiên hàng đầu

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Trong Đề án này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nêu lên 5 quan điểm về công tác cán bộ.

Một là, công tác cán bộ là khâu ưu tiên hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Phải thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI xác định.

Hai là, quán triệt quan điểm của Đảng, phát huy đại đoàn kết, tập hợp rộng rãi cán bộ, trọng dụng nhân tài. Thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào của nhân dân để tuyển chọn, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Phải dựa vào nhân dân để phát hiện, kiểm tra và giám sát cán bộ, công chức, viên chức.

Ba là, gắn xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy và bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Bốn là, Tỉnh ủy thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, công chức, viên chức và quản lý cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu trong hệ thống chính trị.

Năm là, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tự giác học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 

.
.
.