.

Nhìn lại trận đánh mở màn đại thắng mùa Xuân 1975 - Bài 1: Trận đánh then chốt

Cập nhật: 11:11, 09/03/2018 (GMT+7)

Cho đến nay, sau 43 năm kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đa số những nhà sử học quân sự trên thế giới đều cùng chung nhận định rằng, trận Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975 là trận đánh then chốt, mở đường cho Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.

Một góc thị xã Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao (ảnh chụp ngày 9-3-1975).
Một góc thị xã Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao (ảnh chụp ngày 9-3-1975).

Đã có rất nhiều những phân tích, nhận định cũng như những hồi ký nói về trận Buôn Ma Thuột mà trong đó, một số tác giả là người ở phía bên kia, chẳng hạn như hồi ký của Trung tá Phạm Huấn, sĩ quan báo chí quân lực Việt Nam Cộng hòa, từng tham gia Ban Liên hợp quân sự 4 bên và năm 1973, đã ra Hà Nội dự buổi trao trả tù binh Mỹ.

1. Gần 6 giờ chiều thứ Bảy ngày 8-3-1975, Trung tá Phạm Huấn mới từ Bình Định về đến Nha Trang sau khi chết hụt ở Vũng Rô vì chiếc trực thăng chở ông ta cùng một số sĩ quan gặp phải một cơn gió xoáy. Ông Huấn viết trong hồi ký: “Suốt bốn ngày tại mặt trận Bình Định, tôi có linh cảm xấu về cuộc chiến tranh này. Nếu như trước tháng Giêng năm 1973, không quân có thể xuất kích bất cứ lúc nào còn pháo binh được quyền bắn vô tội vạ thì giờ đây, sau khi người Mỹ rút đi, 1/3 số máy bay oanh tạc phải nằm ụ vì thiếu xăng dầu và phụ tùng thay thế. Một thiếu úy pháo binh ở Bồng Sơn cho tôi biết để tiết kiệm, khẩu đội 105mm của anh ta chỉ được phép bắn 25 viên đạn mỗi ngày”.

Sau khi ăn vội bữa cơm chiều, Phạm Huấn chìm sâu vào giấc ngủ mỏi mệt. Đến 8 giờ sáng, chuông điện thoại đột ngột réo vang khiến ông ta giật mình. Nhấc máy lên, Phạm Huấn nghe giọng nói quen thuộc của Đại úy Tân, sĩ quan tùy viên và cũng là em vợ Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2: “Ông Phú gọi anh gấp! Chừng 30 phút nữa anh ra thẳng phi trường Nha Trang, máy bay C47 đậu ở khu VIP bên dân sự”.

Thiếu tướng Phạm Văn Phú (trái) và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tại Pleiku,  tháng 2-1975.
Thiếu tướng Phạm Văn Phú (trái) và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tại Pleiku, tháng 2-1975.

Phạm Huấn uể oải ngồi dậy. Cú điện thoại đã khiến những linh cảm bất an trong đầu ông ta bây giờ có thể sẽ trở thành sự thật. Tình hình quân sự tại Tây Nguyên sau khi mất Phước Long đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Đường 13 từ Sài Gòn đi Bình Long, Lộc Ninh, xe quân sự chỉ có thể chạy từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều nếu có lính yểm trợ. Hai quốc lộ huyết mạch 19, 21 nối liền Kon Tum, Pleiku, Đắk Lắk, Phú Yên, Khánh Hòa đã bị cắt nhiều đoạn. Tỉnh Quảng Đức (một phần của các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng và Phước Long) đang bị đe dọa nặng. Tại Bình Định, các đơn vị của Sư đoàn 22 gần như quần thảo hàng ngày với Sư đoàn 3 Sao Vàng của Quân giải phóng. Ở Pleiku, Bộ Tư lệnh hành quân của Sư đoàn 23 bộ binh bị pháo kích triền miên.

8 giờ 40 sáng, chiếc C47 lăn bánh ra đường băng. Đây là máy bay chỉ huy của đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Hàng năm, khi mùa mưa đến, Viên giao chiếc C47 này cho tư lệnh Quân đoàn 2 sử dụng vì thời tiết Tây Nguyên không thuận lợi cho trực thăng và những loại máy bay nhỏ. Lúc chiếc C47 chuẩn bị cất cánh, tướng Phú nói với Phạm Huấn: “Hôm nay mình lên Buôn Ma Thuột. Quận Đức Lập, tỉnh Quảng Đức hiện đang bị pháo kích rất nặng, có thể mất”. Phạm Huấn viết trong hồi ký: “Nhìn vẻ mặt đăm chiêu, nghiêm trọng của tướng Phú, tôi biết rằng Buôn Ma Thuột sẽ trở thành một ốc đảo bị Quân Giải phóng vây hãm tứ bề nếu Đức Lập và Quảng Đức thất thủ vì đường từ Buôn Ma Thuột xuống Nha Trang không còn đi được nữa”.

2. Một tháng trước đó, trong buổi họp với chuẩn tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh Sư đoàn 23 - là sư đoàn có trách nhiệm phòng thủ Tây Nguyên - sau khi xếp đặt ưu tiên quân sự cho từng vùng, tướng Phú đã ra lệnh cho Đại tá Vũ Thế Quang, Phó Tư lệnh Sư đoàn 23 về đặt sở chỉ huy nhẹ ở thị xã Buôn Ma Thuột, đồng thời tăng cường thêm cho địa phương này một đơn vị pháo 155mm. Theo ông Phạm Huấn, động tác ấy chỉ nhằm trấn an tinh thần vì tướng Phú cho rằng: “Việt Cộng đang chơi trò dương Đông kích Tây. Việc vây hãm Buôn Ma Thuột chỉ là kế nghi binh để thu hút lực lượng ta, còn điểm họ sẽ đánh là Pleiku”.

9 giờ 45 phút, chiếc C47 chở tướng Phú hạ cánh xuống sân bay Phụng Dực (nay là sân bay Buôn Ma Thuột). Sau những cái bắt tay vội vã, ông ta cùng Chuẩn tướng Lê Trung Tường và Đại tá Nguyễn Trọng Luật, tỉnh trưởng tỉnh Đắk Lắk về Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 bộ binh. Tại trung tâm hành quân sư đoàn, các thuyết trình của sĩ quan tham mưu tác chiến cho thấy tình hình Đức Lập như con bệnh nan y, vô phương cứu chữa: “Các căn cứ hỏa lực đã bị Quân Giải phóng tràn ngập bằng chiến thuật “trận địa chiến”, và họ đánh ngay giữa ban ngày, chi khu bị pháo từ 6 giờ sáng. Tiểu đoàn Địa phương quân đóng tại Núi Lửa cách Đức Lập 9 cây số bị tràn ngập, thiếu tá tiểu đoàn trưởng và một số sĩ quan chỉ huy khác chết tại chỗ, Trung tá Nguyễn Cao Vực, quận trưởng quận Đức Lập bị thương…”.

Chiếc C47 chở tướng Phú tại sân bay Phụng Dực, Buôn Ma Thuột ngày 9-3-1975.
Chiếc C47 chở tướng Phú tại sân bay Phụng Dực, Buôn Ma Thuột ngày 9-3-1975.

10 giờ 30 phút sáng 9-3, Quân giải phóng làm chủ quận Đức Lập. Tuyến phòng thủ duy nhất của Buôn Ma Thuột về hướng này chỉ còn là cây cầu 14 (cách thị xã Buôn Ma Thuột 14km), vắt ngang sông Sê Rê Pôk. Ông Phạm Huấn viết: “Từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều ngày 9-3-1975, tướng Phú họp với tư lệnh Sư đoàn 23 bộ binh, các tiểu khu trưởng Buôn Ma Thuột và Quảng Đức. Khác với những ngày trước, tướng Phú vẫn kiên trì bảo vệ lập luận rằng Pleiku mới là “điểm”, còn Buôn Ma Thuột chỉ là “diện”, và những đòn của Quân giải phóng chỉ nhằm để nghi binh thì bây giờ, ông đã lờ mờ nhận ra hậu quả sai lầm chiến lược. Tuy nhiên, khi ông nhận ra thì tất cả đã quá muộn. Theo tin tình báo của Phòng 2, có 3 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn đặc công cùng các đơn vị pháo, xe tăng Quân Giải phóng đã áp sát thị xã Buôn Ma Thuột”. 

Còn nước còn tát, tướng Phú điện thoại cho Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân, yêu cầu tất cả trực thăng còn bay được (lúc bấy giờ, gần một nửa máy bay của Sư đoàn 6 không quân phải nằm bẹp một chỗ vì thiếu xăng và phụ tùng thay thế), vận chuyển Liên đoàn 21 Biệt Động quân từ Kon Tum về quận Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk để hình thành thế ngăn chặn từ xa, cũng như có thể nhanh chóng tiến vào giải vây thị xã Buôn Ma Thuột trong trường hợp Quân Giải phóng chiếm được thị xã. Bên cạnh đó, tướng Phú cũng ra lệnh cho Đại tá Nghìn, tỉnh trưởng Quảng Đức bay về thị xã Gia Nghĩa tổ chức phòng thủ, và bổ nhiệm Đại tá Quang, Phó Tư lệnh Sư đoàn 23 chỉ huy chiến trường Buôn Ma Thuột, đồng thời cho phép Quang tùy theo tình hình, có thể phá hủy cầu 14 trên đường Đức Lập - Buôn Ma Thuột nhằm làm chậm bước tiến của Quân Giải phóng.

Phạm Huấn, nhớ lại: “Trước khi lên máy bay rời khỏi Buôn Ma Thuột, tướng Phú bắt tay Đại tá Quang: “Cố gắng nghe Quang! Đừng để lỡ dịp lên tướng kỳ này”. Quang đứng nghiêm chào tướng Phú: “Thiếu tướng yên tâm, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm được và tôi sẽ chết tại đây trước khi Buôn Ma Thuột mất”.

7 giờ tối 9-3-1975, khi được báo cáo Liên đoàn 21 Biệt động quân đã hoàn tất việc đổ quân xuống Buôn Hồ, tướng Phú lẩm bẩm: “May ra thì còn kịp!”.

VŨ CAO


Nhìn lại trận đánh mở màn đại thắng mùa Xuân 1975 - Bài 1: Trận đánh then chốt

Nhìn lại trận đánh mở màn đại thắng mùa Xuân 1975 - Bài cuối:  Đòn trừng phạt

.
.
.