.
KỶ NIỆM 50 NĂM TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968:

Sự mưu trí, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ hậu cần

Cập nhật: 19:25, 28/01/2018 (GMT+7)

50 năm trôi qua, nhưng ký ức làm công tác hậu cần (CTHC) trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 luôn là kỷ niệm sâu sắc của các cựu chiến binh (CCB) Cục Hậu cần Miền (B2). Bằng sự mưu trí dũng cảm, sáng tạo, tận dụng mọi thời cơ, chủ động chuẩn bị trước, cán bộ, chiến sĩ Cục Hậu cần Miền kịp thời bảo đảm hậu cần phục vụ các đơn vị chiến đấu.

Các cựu chiến binh Cục Hậu cần Miền tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trong một buổi gặp mặt cuối tháng 12-2017.
Các cựu chiến binh Cục Hậu cần Miền tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trong một buổi gặp mặt cuối tháng 12-2017.

Đại tá Nguyễn Tấn Thành, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 7, nguyên Trưởng Phòng Quân nhu, Cục Hậu cần Miền, nhớ lại: “Lúc bấy giờ ở miền Đông Nam Bộ, nhiều vợ con của sĩ quan ngụy có phương tiện vận tải buôn hàng từ Tây Ninh về Sài Gòn. Nhằm bảo đảm hậu cần cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, những ngày cuối năm 1967, tôi cùng nhiều đồng đội cải trang làm dân buôn để mua gạo, thuốc men, sau đó liên hệ với vợ con sĩ quan ngụy để chuyển hàng từ Tây Ninh về Sài Gòn. Tại Sài Gòn, đơn vị cũng tổ chức cho cán bộ, nhân viên cải trang làm dân buôn tiếp nhận vật chất rồi chuyển đến các cơ sở. Các hộ dân bí mật đào hầm, cất giấu lương thực, thực phẩm, sau đó tiếp tế cho đơn vị chiến đấu. Để vận chuyển vũ khí vào Sài Gòn, chúng tôi cũng cải trang làm nông dân, công nhân lâm nghiệp dùng xe bò, xe đẩy… giấu vũ khí phía dưới, ngụy trang cao su, gỗ rừng phía trên hoặc bỏ trong ống bương, nứa để vận chuyển...”.

Trong điều kiện địch kiểm soát hết sức nghiêm ngặt, khi vận tải hàng hóa ở các kho của Trung ương Cục miền Nam đến các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ làm công tác hậu cần đã phải vượt qua muôn vàn gian khổ, linh hoạt vận dụng ghe, thuyền, xe thồ, xe đẩy... CCB Nguyễn Thị Thu, quê huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, nguyên chiến sĩ Đoàn Hậu cần 81, Cục Hậu cần Miền kể: “Năm ấy, nhiệm vụ tải đạn, đưa lương thực từ Tây Ninh tiếp tế cho các đơn vị chiến đấu, chúng tôi phải tranh thủ mọi thời cơ, thời gian, không kể ngày đêm, chủ yếu là vác vai. Lúc ấy, đơn vị phát động phong trào “Mỗi người làm thêm một việc, mỗi người mang thêm 1kg để phục vụ bộ đội chiến đấu và chiến thắng”. Từ phong trào, đơn vị xuất hiện nhiều chiến sĩ thi đua tải đạn, tải lương”.

Thực hiện CTHC, Cục Hậu cần Miền chủ động tiếp nhận, vận tải an toàn vật chất, vũ khí trang bị từ các cửa sông, cửa biển do hậu phương miền Bắc chuyển đến. CCB Cổ Tấn Anh Sa, nguyên Đội trưởng Đội Tàu vận tải sông, Đoàn Hậu cần 83, Cục Hậu cần Miền, nhớ lại: “Đầu tháng 1-1968, để vận tải lương thực từ cửa biển theo sông Sài Gòn về hồ Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh, chúng tôi phải chở thêm nhiều thương binh nặng. Vì thế, chúng tôi còn kiêm thêm nhiệm vụ băng bó, chăm sóc thương binh”.  

“Sau Tết Mậu Thân 1968, chiến trường Đông Nam Bộ diễn ra vô cùng ác liệt. Nhiều cơ sở hậu cần của ta bị địch đánh phá phải di chuyển địa điểm liên tục, cơ sở vật chất thiếu thốn. Song cán bộ, chiến sĩ Cục Hậu cần Miền luôn nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”, CCB Nguyễn Thị Thanh Hiếu, nguyên dược sĩ Đoàn 340, Cục Hầu cần Miền nhớ lại. Theo CCB Nguyễn Thị Thanh Hiếu, tháng 2-1968, khi đóng quân tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, bị địch đánh phá dữ dội, đơn vị của bà phải di chuyển sang Campuchia. Lúc ấy, nước muối, nước biển dùng cứu chữa thương binh rất thiếu, cán bộ, chiến sĩ phải đứng suốt ngày đêm để chưng cất nước, pha chế theo kinh nghiệm 9g muối/1.000g nước, góp phần cứu chữa được nhiều thương binh.

Sức mạnh làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 có nhiều yếu tố, song CTHC luôn giữ vai trò rất quan trọng. Đây cũng là kinh nghiệm quý, làm tiền đề để Cục Hậu cần Miền tiếp tục thực hiện tốt CTHC trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Bài, ảnh: Nguyễn Duy Hiển

.
.
.