Khí thế của quân và dân BR-VT trong Tổng tiến công
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân Bà Rịa - Vũng Tàu đã dốc toàn tâm, toàn lực, đánh thẳng vào sào huyệt của địch, khiến chúng phải một phen kinh hồn bạt vía, góp phần cùng cả nước làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam.
TÌNH HÌNH TẠI BR-VT TRƯỚC XUÂN MẬU THÂN 1968
Tháng 12-1967, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng chỉ rõ: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền là thực hiện tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, giành một thắng lợi chiến lược mới”. Thực hiện chủ trương đó, Trung ương Cục miền Nam tiến hành sắp xếp lại chiến trường, giải thể Khu ủy miền Đông Nam bộ, thành lập 5 phân khu nhằm tổ chức 5 mũi tiến công vào Sài Gòn. Bà Rịa - Vũng Tàu lúc bấy giờ là tỉnh Bà Rịa - Long Khánh gồm 3 thị xã: Long Khánh, Vũng Tàu, Bà Rịa và 4 huyện: Xuân Lộc, Định Quán, Long Đất, Xuyên Mộc.
Từ ngày 26 đến 27-1-1968, tại căn cứ của Tỉnh đội ở phía Bắc Suối Sách (Sông Ray), Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh đã tổ chức hội nghị mở rộng xác định kế hoạch tiến công và nổi dậy trên địa bàn tỉnh. Các lực lượng vũ trang của tỉnh được lệnh tích cực chuẩn bị. Tiểu đoàn 440 được tăng cường cho mặt trận Long Khánh, còn Tiểu đoàn 445 cơ động đánh địch. Công tác chuẩn bị phục vụ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 diễn ra sôi nổi. Hàng trăm tấn gạo, thuốc men, vũ khí, đồ dùng cần thiết được đóng góp, vận chuyển đến nơi quy định. Đoàn 30 làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ Đồng Nai về căn cứ của tỉnh đã không quản bom đạn, ngày đêm tức tốc vận chuyển 800 trái đạn cối 82 ly và các thùng đạn súng bộ binh… để kịp phân phối cho các đơn vị.
Tại thị xã Bà Rịa, các chi đoàn mật trong thanh niên, học sinh tổ chức rải hàng ngàn truyền đơn, khẩu hiệu do Ban Tuyên huấn Thị ủy cung cấp, tuyên truyền ở nhiều nơi trong thị xã. Những khẩu hiệu: “Việt Nam muôn năm”, “Hồ Chí Minh muôn năm”, “Đả đảo đế quốc Mỹ xâm lược”… xuất hiện trên các đường phố, cổ vũ người dân đứng lên tự giải phóng. Trên chiến trường trọng điểm Long Đất, các chi bộ trên địa bàn huyện tích cực chuẩn bị lương thực, băng cờ, khẩu hiệu sẵn sàng xuống đường. Tại thị xã Vũng Tàu, nhiều căn hầm bí mật được tăng cường xây dựng trong các “lõm chính trị” để đưa đón cán bộ bám trụ vào nội thị trực tiếp chỉ đạo phong trào. Tại Xuyên Mộc, chuẩn bị cho Tết Mậu Thân 1968, Ban cán sự Xuyên Mộc được củng cố thành Huyện ủy Xuyên Mộc, tăng cường các đồng chí về chỉ đạo tiến công tại các xã trọng điểm.
Các lực lượng vũ trang miền Nam trong cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968. |
DIỄN BIẾN TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968
Theo lệnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa toàn miền Nam bắt đầu từ 0 giờ ngày 31-1-1968 (giao thừa Tết Mậu Thân). Tuy nhiên, đến rạng sáng ngày 2-2-1968, các cánh quân của ta mới nổ súng tiến công vào thị xã Bà Rịa, Vũng Tàu, các huyện lỵ Long Đất, Xuyên Mộc và các vùng lân cận khác.
Tại thị xã Bà Rịa, rạng sáng ngày 2-2-1968, Tiểu đoàn 445 nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu trong thị xã Bà Rịa. Sau 5 phút chiến đấu, quân ta đã chiếm được 3/4 Tỉnh đoàn bảo an. Tại nội ô thị xã, Đại đội trinh sát tỉnh đánh vào Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp. Địch điều xe tăng Úc từ núi Đất cùng tiểu đoàn biệt động B52 từ Long Khánh cơ động xuống giải vây. Bộ đội ta chống trả quyết liệt với xe tăng, bộ binh và hỏa lực địch ngay trong thị xã, bảo vệ an toàn Sở chỉ huy của ta đặt tại Xóm Cát. Cùng với tiếng súng của Tiểu đoàn 445 đánh vào Bà Rịa, đội biệt động thị xã Bà Rịa nổ súng tiến công bót Long Hương, phát động quần chúng nổi dậy. Sau một ngày đêm giằng co quyết liệt, 3 giờ sáng ngày 3-2-1968, lực lượng vũ trang tỉnh được lệnh rút ra củng cố. Tiểu đoàn 445 điều 2 đại đội chi viện cho mặt trận Long Đất.
Tại Xuyên Mộc, rạng sáng ngày 2-2-1968, ta tập trung đánh chiếm Chi khu quân sự của địch. Xã Phước Bửu chịu trách nhiệm đưa du kích ra phá lộ 23 ngăn chặn tiếp tế giữa Tiểu khu Phước Tuy và Chi khu Xuyên Mộc, huy động lực lượng đánh bót Cầu Dài, Cầu Trọng. Các xã còn lại trong huyện đưa lực lượng đánh vào đồn bót trên địa bàn xã, vận động nhân dân nổi dậy, diệt ác ôn, gây xáo động tinh thần địch.
Tại Vũng Tàu, lực lượng nội tuyến phối hợp với quần chúng nổi dậy cùng đứng lên diệt ác phá kềm. Đội Biệt động Vũng Tàu (C31) quyết tâm bám đánh địch làm chủ từ Phước Thắng đến cầu Rạch Hào. Sau đó lực lượng Vũng Tàu quay về chi viện cho huyện Long Đất.
2 giờ sáng ngày 3-2-1968, mặt trận Long Đất bắt đầu nổ súng. Ngay trong ngày đầu, địch phải rút khỏi chi cảnh sát. Quần chúng nổi dậy làm chủ thị trấn Đất Đỏ suốt 3 ngày. 2 phân đội bao vây và tiến công chi cảnh sát Long Điền, còn lại phần lớn lực lượng tập trung đánh chiếm các mục tiêu ở khu vực chợ. Đêm 4-2-1968, 2 đại đội của Tiểu đoàn 445 tăng cường về Long Đất, tiến công đồn An Ngãi. Địch đổ quân, sử dụng pháo, máy bay phản công. Ta và địch xáp lá cà, giành nhau từng ngôi nhà, từng mảnh vườn, công sự. Ngày 8-2-1968, sau 7 ngày đêm bám trụ đánh địch, lực lượng vũ trang được lệnh rút về căn cứ Minh Đạm.
Hòa cùng với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, quân và dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mở cuộc tổng tiến công vào tỉnh lỵ và hầu hết các chi khu, quận lỵ trong tỉnh. Phát huy sức mạnh của 3 mũi giáp công, ta đã đánh thẳng vào sào huyệt của địch, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch. Mặc dù ta có tổn thất, nhưng đã giành thắng lợi có ý nghĩa lớn, tạo khả năng tiến công địch ở cả đô thị (thị xã, thị trấn, chi khu), phát động được khí thế cách mạng của quần chúng, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng ở Bà Rịa - Vũng Tàu bước sang giai đoạn mới.
TỪ THỊ NGỌC TRÂM
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)