.
KỶ NIỆM 50 NĂM TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968

Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

Cập nhật: 19:12, 05/01/2018 (GMT+7)

Cho đến bây giờ, nhiều nhà nghiên cứu quân sự, kể cả bộ máy chiến tranh của Mỹ, vẫn cố tìm hiểu bằng cách gì mà trong Mậu Thân 68, quân giải phóng có thể bí mật triển khai lực lượng trên diện rộng toàn miền Nam? Bài viết của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Tham mưu Trưởng Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam phần nào giải đáp vấn đề này.

Lúc đó, Trung ương Cục gọi riêng từng đồng chí bí thư tỉnh ủy lên giao nhiệm vụ. Và như vậy, mỗi tỉnh chỉ duy nhất một người biết rõ “Giờ G, ngày N” - thời điểm nổ súng tiến công. Trong đó, biết bao nhiêu công tác phải triển khai, bao nhiêu việc phải chuẩn bị.

Thời điểm đó, tôi đang đảm trách Tham mưu Trưởng Bộ Chỉ huy Miền (mật danh là B2). Việc phổ biến kế hoạch tác chiến được giao cho anh Nguyễn Văn Linh (Chính ủy) và anh Hoàng Văn Thái (Tư lệnh); mặt trận Sài Gòn - Gia Định có anh Võ Văn Kiệt và anh Trần Hải Phụng. Vấn đề đặt ra lúc đó là làm sao phải nhanh chóng đưa lượng rất lớn vũ khí và phương tiện chiến đấu vào ém sát các mục tiêu dự định tiến công trong sự canh gác, kiểm soát rất gắt gao của quân địch, vượt qua các tuyến đóng quân và hoạt động dày đặc của chúng ở các thành phố, đô thị và căn cứ quân sự, nhất là thành phố Sài Gòn - Gia Định, sào huyệt, cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy.

Tất cả những cái gì lo trước được, ta đã tính toán chuẩn bị, nhất là việc xây dựng các cơ sở cách mạng quần chúng, hồi đó gọi là các “lõm” ngay trong lòng đô thị mà quân địch đang chiếm giữ. Chẳng hạn như Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định: Ngay từ năm 1965 đã chỉ đạo lực lượng biệt động xây dựng các hầm chứa vũ khí và ém quân trong nội thành. Tính đến cuối năm 1967, đã thiết lập được 19 “lõm” chính trị ngay sát những mục tiêu trọng yếu của địch, bao gồm 325 gia đình cơ sở, tạo nên 400 điểm ém quân và 12 kho vũ khí; với kỹ thuật ngụy trang tài tình, khôn khéo và mưu trí, các đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyển vào nội thành một khối lượng lớn vũ khí chuẩn bị cho chiến đấu, gồm: 450kg thuốc nổ TNT, 100 súng K54, 50 súng AK, hàng chục súng - đạn B40, 3 khẩu cối, 1 khẩu ĐKZ và 90 quả đạn.

Cuộc tiến công táo bạo của ta đã làm cho bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ sững sờ, choáng váng. Chỉ trong 24 giờ đồng hồ, toàn bộ hậu phương an toàn nhất của kẻ địch, tất cả thành phố, tỉnh lỵ mà trước đó hầu như đứng ngoài cuộc chiến, nay đều bị tiến công đồng loạt. Các mục tiêu quan trọng nhất, từ Bộ Tổng tham mưu đến Biệt khu Thủ đô, từ Dinh Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đến Tòa Đại sứ Mỹ đều bị đánh phá ác liệt. Cái thế của hai bên trong chiến tranh bỗng chốc bị đảo lộn, hậu phương yên ấm của kẻ địch bỗng chốc trở thành tiền tuyến nóng bỏng. Trong lúc Mỹ - ngụy có hơn một triệu quân, lại bố trí trong thế phòng thủ liên hoàn, chặt chẽ mà chúng hoàn toàn bất ngờ. Có thể nói là đợt đầu tiên ta đã ra đòn bất ngờ và đánh trúng vào hệ thần kinh trung ương của địch, đã làm cho tòa Bạch ốc Hoa Kỳ bàng hoàng...

Trước Tổng tiến công, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền tổ chức bố trí chiến trường, mặt trận Sài Gòn - Gia Định có 2 “Sở chỉ huy tiền phương”. Anh Trần Văn Trà và Mai Chí Thọ phụ trách Tiền phương Bắc, còn gọi là Tiền phương 1. Anh Võ Văn Kiệt phụ trách Tiền phương Nam, còn gọi là Tiền phương 2. Tiền phương 1 phụ trách chủ lực hướng Bắc, Tây Bắc và Đông Sài Gòn; lực lượng bao gồm: Các phân khu 1, 4, 5 và một phần phân khu 2 (tức Củ Chi, Hóc Môn, Dĩ An, Gò Vấp, Lái Thiêu, Thủ Đức, một phần Bình Tân); mục tiêu đánh là khu Quán Tre, một nửa sân bay Tân Sơn Nhất, các căn cứ quân sự ở Gò Vấp, thị xã Gia Định, Bộ Tổng tham mưu ngụy, đồng thời phụ trách các tiểu đoàn chiếm lĩnh nối tiếp biệt động nội thành. Tiền phương 2 phụ trách hướng Nam và một phần Tây Nam Sài Gòn; gồm toàn bộ lực lượng biệt động và quần chúng vũ trang nội thành từ quận 1 đến quận 8. Các đơn vị biệt động đánh các mục tiêu: Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc lập, Đài phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân, Kho xăng Nhà Bè, Tổng nha Cảnh sát và một nửa sân bay Tân Sơn Nhất; phát động quần chúng chiếm các khu lao động, chờ đón quân chủ lực vào nội thành...

Các đồng chí lãnh đạo Phân khu 1 (Sài Gòn - Gia Định) họp bàn kế hoạch tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: DƯƠNG THANH PHONG
Các đồng chí lãnh đạo Phân khu 1 (Sài Gòn - Gia Định) họp bàn kế hoạch tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: DƯƠNG THANH PHONG

Tôi được phân công chỉ huy bộ đội tiến công ở hướng Tây Nam Sài Gòn, từ Long An đánh vào khu vực quận 5, vào Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát và Cảnh sát Đô thành. Sở chỉ huy của tôi đặt ở bên sông Vàm Cỏ Đông. Trước khi nổ súng, tôi được tăng cường một tiểu đoàn của Long An do anh Hai Hoàng làm Tiểu đoàn trưởng. Đưa Trung đoàn 3 vào áp sát quận 6, gần tới Phú Lâm, bắn cối xong thì đột kích vào trung tâm Phú Lâm. Các đơn vị đó đánh rất giỏi, thọc sâu vào quận 5, rồi tiến công tới ngã tư Bảy Hiền thuộc quận Tân Bình, ở lại 1 ngày, quân nó bu tới, ta đánh; sau đó khi có lệnh cấp trên, tôi cho các đơn vị rút ra. Đồng bào Hoa kiều đã chỉ dẫn cho bộ đội đục xuyên các tường nhà để bí mật rút ra. Chỗ nào không đục được thì vận động trên mái nhà. Còn thương binh thì bà con người Hoa mang đi giấu, cứu chữa và nuôi dưỡng.

Nhìn lại những ngày này chúng ta thấy, sự lãnh đạo tài tình sáng tạo với đường lối chiến tranh nhân dân vô địch của Đảng ta. Trở lại bối cảnh lúc đó: Cuối tháng 1-1968, ta bắt đầu mở đợt hoạt động lớn ở Mặt trận đường số 9 - Khe Sanh, xem như một đòn chính của bộ đội chủ lực ta, nhằm đánh lạc hướng, thu hút quân cơ động của Mỹ, vây hãm, giam chân và tiêu hao chúng, nhằm tạo thế cho các chiến trường khác tiến công và nổi dậy. Lập tức, tướng Westmoreland điều quân tăng cường giữ và cho máy bay ném bom dữ dội, rồi chở quân đổ bộ xuống khu vực Tà Cơn - Khe Sanh. Trước và sau Tết, quân ta tiếp tục bao vây Khe Sanh, dùng các hỏa lực và đánh lấn khiến cho Bộ Quốc phòng Mỹ tính tới khả năng ta có thể tạo ra một cái “giống như Điện Biên Phủ”. Thế là quân Mỹ đã rơi vào bẫy của ta. Quân Mỹ đã rơi vào tình thế của “cá voi mắc cạn”. 

Cùng thời điểm này, trên chiến trường nước bạn Lào, từ ngày 12 đến 27-1-1968, quân đội Pa Thét Lào và quân tình nguyện Việt Nam mở chiến dịch Nậm Bạc đã thắng lớn. Chiến thắng này vừa là khởi đầu vừa là sự phối hợp nhịp nhàng với cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của chúng ta.

Quân và dân miền Nam đã nhằm đúng vào đêm giao thừa của Tết Nguyên đán, đồng loạt tiến công và nổi dậy trên toàn miền, đánh vào 4 thành phố lớn, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn địch, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần của chúng. Chúng ta đã ra những đòn sấm sét ngay trong lúc mà lực lượng Mỹ - ngụy và chư hầu còn trên 1 triệu 20 vạn tên, nắm trong tay những phương tiện chiến tranh hiện đại và khổng lồ, đứng chân trong những căn cứ được phòng thủ vững chắc; chúng ta đã đánh vào tận hang ổ của chúng và đã giành thắng lợi chưa từng có.

Đòn tiến công Mậu Thân - 1968 đã gây kinh hoàng cho cả nước Mỹ. Khắp các bang của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ rộ lên những cuộc biểu tình chống chiến tranh. Nhiều người trong chính giới Mỹ đòi xét lại chính sách của Mỹ với cuộc chiến này. Nội bộ các cố vấn thân cận của Tổng thống Mỹ diễn ra sự chia rẽ gay gắt. Tướng Westmoreland, Tổng chỉ huy quân Mỹ ở Nam Việt Nam, bị cách chức, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara xin thôi việc. Ngày 25-3-1968, Tổng thống Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Clifford (mới thay McNamara) phải triệu tập một cuộc họp gọi là “Những người am hiểu và khôn ngoan nhất”, mà thực chất là 14 quan chức cấp cao diều hâu nhất trong phái diều hâu. Sau 3 ngày tranh cãi, 10/14 vị đã tán đồng chấm dứt leo thang chiến tranh và có biện pháp rút lui ra khỏi cuộc chiến. Ngày 31-3-1968, Johnson buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị đàm phán song phương với ta tại Paris và tuyên bố không ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 2. Đây là sự công khai thừa nhận chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ đã phá sản, ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ hiếu chiến đã thật sự bị lung lay. Tuy chúng ta có khuyết điểm là sau đợt 2 đã chậm chuyển hướng tiến công về vùng nông thôn nên tổn thất; nhưng thất bại của đế quốc Mỹ trong “Chiến tranh cục bộ” đã không thể nào cứu vãn được.

Đại tướng LÊ ĐỨC ANH
(Nguyên Chủ tịch nước, nguyên Tham mưu Trưởng Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam)

.
.
.