.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Bác Hồ nói về cách vui Xuân

Cập nhật: 20:12, 03/01/2018 (GMT+7)

Bác Hồ luôn nghĩ về dân và mỗi khi Tết đến, Xuân về Người lại càng đau đáu, suy tư tìm mọi cách để chăm lo cho dân đón Tết trong ấm no, hạnh phúc; nhưng Người không bao giờ quên kêu gọi đồng bào triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Sinh thời, Người có một mong muốn đến tột bậc là làm sao cho nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Với những ngày Tết cổ truyền thiêng liêng, Người quan niệm, càng phải chăm lo chu đáo hơn để nhân dân có được cái Tết tươm tất, no đủ. Hàng năm, trước Tết Nguyên đán 3 tháng, Người chỉ thị cho các cấp, các ngành phải chăm lo chu đáo để nhân dân đón Tết vui tươi. Người đồng tình và vui cùng niềm vui chính đáng của người dân: “Suốt năm chúng ta thi đua sản xuất. Nhân ngày Nguyên đán, chúng ta vui một hôm để chào Xuân. Việc đó cũng đáng thôi. Nên chúng ta mừng Xuân một cách vui vẻ”.

Triết lý của Người là “Cần mà không kiệm thì như gió vào nhà trống”; nhưng tiết kiệm không có nghĩa là keo kiệt, bủn xỉn mà phải là chi tiêu hợp lý: Cái chưa cần chi thì khoan chi; cái không cần chi thì kiên quyết không chi; cái cần chi thì dù tốn bao nhiêu của, bao nhiêu công cũng phải chi. Mục đích cuối cùng của việc thực hành tiết kiệm nhằm dành của cải, công sức, thời gian cho cho sự nghiệp xây dựng CNXH và để cho nhân dân có cuộc sống sung sướng hơn trong tương lai. Người căn dặn: đón Tết, vui Xuân “một cách vui vẻ, tưng bừng, nhưng tuyệt đối không lãng phí”; rằng “Nếu có bao nhiêu tiền đều bỏ ra mua sắm để đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không Xuân”. Người yêu cầu: “Chúng ta phải cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng CNXH”; phải thường xuyên “Xây dựng đời sống mới, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm về mọi mặt”.

Tết năm 1956, nhân dân xã Nhật Tân (Từ Liêm, Hà Nội) đến chúc Tết và biếu Bác cành đào đón Xuân. Người cảm ơn và hỏi thăm tình hình đón Tết. Đồng chí Bí thư Chi bộ kiêm Chủ tịch UBHC xã báo cáo với Bác: Tết năm nay nhân dân trong xã tổ chức đụng lợn, trâu bò và tổ chức ăn uống vui vẻ lắm. Người nhắc nhở ngay: “Các chú ăn Tết phấn khởi đấy; nhưng phải nhớ tiết kiệm. Vì đất nước còn nghèo lại trải qua chiến tranh, còn phải làm nhiều việc lớn hơn”. Tết Đinh Dậu năm 1957, bác viết: “Tôi thân ái chúc đồng bào và cán bộ vui vẻ ăn Tết trong phong trào thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm” và khi về Thanh Hóa, Người “mong các cụ, các bà chống lãng phí, vì lãng phí là có hại cho dân, cho nước, cho nhà, vì nó đưa đến phong tục hủ bại, rượu chè, hút xách”. Người khuyên những ngày Tết “không nên chơi bời quá độ mà phải có chừng mực. Nếu chơi nhiều thì không tăng gia sản xuất, học tập được”. 

Tết năm 1965, thăm công trường xây dựng ở Việt Trì, Người dặn: Phải làm sao cho cái Tết xây dựng vui hơn kháng chiến, song phải tránh lãng phí không cần thiết. Dịp Tết năm 1969, Bác cùng nhân dân trồng cây trên đồi Vật Lại. Trưa hôm đó, Người mời cả cán bộ địa phương cùng ăn cơm ngay trên quả đồi vừa mới trồng cây. Bác hỏi đồng chí Hán, Chủ nhiệm hợp tác xã Hợp Thịnh: Hợp tác xã dạo này hay liên hoan chè chén không? Anh Hán trả lời: Thưa Bác, chúng cháu không còn ăn uống xa phí nữa. Vì thế mà có nhiều người còn cho rằng chúng cháu keo kiệt nữa. Bác khen: Cháu làm thế là đúng, là biết giữ gìn của cải cho hợp tác, cho xã viên. Về chống hạn cùng bà con xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội dịp Xuân năm 1958, khi bà con quây quần quanh Bác ngay giữa cánh đồng, Người phê bình nhẹ nhàng, nhưng sâu sắc “Năm ngoái bà con ăn Tết mổ lợn, mổ bò… rồi thiếu trâu bò cày. Đấy là chưa kể rước xách linh đình, đồng bóng, bói toán… thật là lãng phí, ảnh hưởng không tốt đến thuần phong, mỹ tục”.

Bác Hồ nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc Tết đồng bào tỉnh Hà Bắc (Xuân Đinh Mùi, 9-2-1967). Ảnh: TL 
Bác Hồ nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc Tết đồng bào tỉnh Hà Bắc (Xuân Đinh Mùi, 9-2-1967). Ảnh: TL 

Tết đến, Xuân về, mọi người, mọi nhà hãy chi tiêu hợp lý để dành những vật chất cao nhất có thể cùng với Nhà nước chăm lo cho những gia đình thương binh, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng; nhân dân những vùng bị thiên tai tàn phá; những trẻ em, người già tàn tật, neo đơn, không nơi nương tựa. Đó là cách vui Xuân, đón Tết nhiều ý nghĩa, theo lời dạy của Bác.

NGUYỄN QUANG PHI

.
.
.