Nói đi đôi với làm - phong cách nêu gương đặc trưng của Hồ Chí Minh
Trong con người Hồ Chí Minh luôn chứa đựng một sức mạnh vô biên, có sức thuyết phục, cổ vũ mãnh liệt và lôi cuốn mọi người. Đó là phong cách thống nhất giữa lời nói với việc làm, tư tưởng với hành vi, động cơ với hiệu quả.
![]() |
Bác Hồ trồng cây ở Ba Vì (Hà Tây) năm 1969. Ảnh tư liệu |
Với Người, đạo đức của các giai cấp bóc lột là nói mà không làm; nói một đường, làm một nẻo. Đạo đức người cộng sản chân chính là lời nói phải đi đôi với việc làm. Vì vậy, Người thường dạy: cán bộ, đảng viên phải giữ gìn nghiêm sự thống nhất giữa lời nói với việc làm, giữa lời viết với hành động và giữa lời hứa hẹn với kết quả thiết thực cụ thể. Nếu không làm được như thế, là tự tước bỏ uy tín đạo đức của mình.
Hồ Chí Minh viết không nhiều so với các lãnh tụ khác, nhưng ở người có sức hấp dẫn và thuyết phục kỳ lạ đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân bởi tính hành động thực tiễn. Nhiều điều Người không viết ra thành sách và Người không hề nói ra. Nhưng tự hành động, việc làm của Người nói lên tất cả. Và ngay trong những bài nói, bài viết của Người cũng nhằm mục đích cuối cùng là động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên và nhân dân để biến thành hành động cách mạng mạnh mẽ, rộng khắp. Hồ Chí Minh là hiện thân của mẫu hình nhà lãnh đạo có phong cách độc đáo của sự kết hợp thống nhất giữa lý luận với thực tiển, giữa tư tưởng với hành động, giữa lý thuyết với thực hành. Người đã nói là làm và đã làm là làm đến nơi, đến chốn.
Phong cách nói đi đôi với làm của Người thật sự chinh phục trái tim, khối óc và hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Không một ai có thể quên được hình ảnh Hồ Chí Minh sau giờ làm việc đi cuốc đất trồng rau, màu trong phong trào tăng gia sản xuất diệt giặc đói do chính Người khởi xướng vào đầu năm 1946. Những ngày tháng khó khăn nhất sau khi giành được chính quyền, Người phát động phong trào “Sẻ cơm, nhường áo”: “Lúc nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Người viết thư nhờ đồng bào cả nước tìm người hiền tài giúp Chính phủ và chính Người đã động viên, lôi cuốn được nhiều trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về phục vụ Tổ quốc. Cuối năm 1959, Người phát động “Tết trồng cây” và bắt đầu từ Tết Nguyên Đán năm 1960 cho đến cuối đời mình, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về Người lại cùng nhân dân thực hành Tết trồng cây. Người dạy: Đạo đức cách mạng là phải trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân, thì cả cuộc đời Người là tấm gương trong sáng nhất của sự hy sinh vì nước, vì dân. Người khuyên: cán bộ, đảng viên phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người cũng căn dặn: Làm người lãnh đạo phải biết hy sinh lợi ích cá nhân, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ và chúng ta không khỏi bùi ngùi, xúc động, khi thấy vào giờ phút từ biệt chúng ta, trên ngực áo của Người không có lấy dù chỉ một tấm huân chương…
Thật tự hào và cũng thật may mắn cho Đảng, cho dân tộc là có tấm gương nói đi đôi với làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh để soi chung. Tấm gương trong sáng tuyệt vời đó luôn vẫy gọi các thế hệ, các tầng lớp, đặc biệt là cán bộ, đảng viên noi theo, làm theo. Tấm gương đó còn thức tỉnh và làm lay chuyển mọi hiện tượng nói nhiều, làm ít; nói mà không làm; hứa mà không thực hiện và nói một đường, làm một nẻo đang xảy ra đâu đó trong xã hội ta. Chắc chắn, rất ít người đã và sẽ làm được như Hồ Chí Minh, nhưng ai cũng có thể học tập được từ tấm gương mẫu mực của Người để trở thành người cán bộ, đảng viên xứng đáng hơn. Đó chính là khởi nguồn để Đảng và Nhà nước lấy lại niềm tin từ nhân dân; để Đảng ta thật sự trở thành Đảng đạo đức, văn minh.
NGUYỄN QUANG PHI