Cần quy định rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức
Câu chuyện bức thư chúc mừng của Bí thư kiêm Đô trưởng thành phố Vientiane đi lòng vòng cả tháng trời mới đến tay Bí thư Thành ủy Hà Nội mà chính Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị kể tại hội nghị giao ban của Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội với các quận, huyện, sở, ban, ngành về công tác cải cách hành chính mới đây đã để lại nhiều suy ngẫm. Qua câu chuyện này không chỉ thấy việc chậm trễ, yếu kém trong xử lý công việc của các cơ quan, công sở mà còn thấy cả sự thiếu trách nhiệm của công chức nhà nước. Sau nhiều năm cải cách hành chính, việc vận hành bộ máy hành chính của nước ta vẫn còn yếu, đây chính là một lực cản trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Nếu ai có việc thường xuyên tiếp nhận công văn từ các cơ quan quản lý Nhà nước, hẳn sẽ không ít lần phải khó chịu khi đọc những văn bản hành chính soạn thảo sơ sài, đầy lỗi chính tả. Điều đó không chỉ thể hiện sự yếu kém về kỹ năng, kiến thức, mà còn bộc lộ sự thiếu trách nhiệm của các công chức trực tiếp làm nhiệm vụ. Công chức thiếu trách nhiệm còn biểu hiện qua nhiều chuyện như: ăn cắp giờ công, cờ bạc, rượu chè trong giờ hành chính, giải quyết công việc chậm gây phiền hà cho dân, thiếu đôn đốc để xảy ra hậu quả nghiêm trọng...
![]() |
Cần quy định rõ nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ. Trong ảnh: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ công dân tại Văn phòng một cửa TP. Vũng Tàu (ảnh chỉ có tính chất minh họa) Ảnh: SONG AN. |
Để nâng cao hiệu quả làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước, nước ta đã và đang tiến hành công cuộc cải cách hành chính nhằm xây dựng một nền hành chính công chuyên nghiệp, hiện đại, vận hành thông suốt và hiệu quả. Có rất nhiều việc phải làm trong công tác cải cách hành chính, trong đó việc xây dựng một cơ chế trách nhiệm cá nhân từ trung ương xuống địa phương là điều rất cần thiết. Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, các chương VI, VII, IX có các điều khoản quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ; Chính quyền địa phương. Cụ thể, khoản 2, điều 116 chương IX quy định: “Ủy ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các thành viên Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Ủy ban nhân dân và chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ được giao trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên”. Quy định nêu trên là cần thiết, tuy nhiên, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp vẫn chưa thấy điều khoản nào buộc bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ về lĩnh vực, địa phương mình phụ trách. Tương tự, công chức làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm cá nhân (tùy theo chức vụ và nội dung, phạm vi, tính chất công việc được giao) đối với thủ trưởng các cơ quan về hiệu quả công việc và cấp dưới thuộc quyền. Vấn đề này đã được quy định tại điều 7, chương II Pháp lệnh công chức năm 2003 sửa đổi, cụ thể như sau: “Cán bộ, công chức chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành nhiệm vụ, công vụ của mình, cán bộ công chức giữ chức vụ lãnh đạo còn phải chịu trách nhiệm về việc thi hành nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức thuộc quyền theo quy định của pháp luật”; Tại điều 8 - 9 -10, chương II, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 cũng quy định rõ nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ: “Chấp hành nghiêm quy định của cấp trên, tận tụy phục vụ nhân dân, tôn trọng người dân, liên hệ chặt chẽ, lắng nghe ý kiến của dân”. Đối với người đứng đầu, ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ nêu trên còn phải: “Chỉ đạo tổ chức, thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thi hành của cán bộ, công chức”.
Việc quy định trách nhiệm rõ ràng, cụ thể của các chức vụ, chức danh trong bộ máy hành chính nhà nước càng chặt chẽ càng làm tăng tính hiệu quả của công việc, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”. Quy định trách nhiệm cá nhân cũng là cơ sở để xử lý các vụ việc sai phạm đúng người, đúng tội làm tăng tín nhiệm của người dân đối với bộ máy công quyền. Chính vì vậy, trong Hiến pháp cũng cần có những điều khoản quy định về trách nhiệm của cán bộ giữ các chức danh trong bộ máy hành chính nhà nước.
LAM PHƯƠNG