Thế nào là bầu cử bổ sung và được thực hiện khi nào?
Bầu cử bổ sung là việc tổ chức bầu cử trong thời gian giữa nhiệm kỳ của Quốc hội hoặc HĐND để bầu thêm số đại biểu thiếu hụt so với tổng số đại biểu Quốc hội được bầu trong nhiệm kỳ (500 đại biểu) hoặc so với tổng số đại biểu HĐND được bầu ở đầu nhiệm kỳ của đơn vị hành chính theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ chỉ được tiến hành khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn 2 năm và thiếu trên 10% tổng số đại biểu Quốc hội đã được bầu ở đầu nhiệm kỳ.
Việc bầu cử bổ sung đại biểu HĐND trong nhiệm kỳ chỉ được tiến hành khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn 18 tháng và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
- HĐND thiếu trên 1/3 tổng số đại biểu HĐND đã được bầu ở đầu nhiệm kỳ.
- Đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở nhập, chia, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính hiện có số lượng đại biểu HĐND không đủ 2/3 tổng số đại biểu được bầu theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Quốc hội quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu HĐND cấp tỉnh; Thường trực HĐND cấp tỉnh quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã.
Việc niêm phong, quản lý phiếu bầu cử sau khi kiểm phiếu được thực hiện như thế nào?
Sau khi kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu, Tổ bầu cử tiến hành niêm phong phiếu bầu cử theo từng loại phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, phiếu bầu cử đại biểu HĐND các cấp, trong đó chia riêng số phiếu bầu cử hợp lệ và số phiếu bầu cử không hợp lệ.
Toàn bộ số phiếu đã được niêm phong phải được Tổ bầu cử cho vào hòm phiếu và làm thủ tục niêm phong hòm phiếu có chữ ký của Tổ trưởng, Thư ký Tổ bầu cử gửi UBND cấp xã.
UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý các loại phiếu bầu cử của các Tổ bầu cử ở địa phương mình. Trong thời gian quản lý phiếu bầu cử theo quy định của pháp luật về lưu trữ (ít nhất là 5 năm), nếu không có ý kiến bằng văn bản của cấp có thẩm quyền thì tuyệt đối không được mở và kiểm tra phiếu bầu cử đã được niêm phong.
Việc lưu trữ, xử lý phiếu bầu và các tài liệu do Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử chuyển đến được xử lý như thế nào?
Sau khi kết thúc bầu cử, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử có trách nhiệm bàn giao các loại phiếu bầu cử, biên bản, tài liệu liên quan đến công tác bầu cử đến UBND cấp tương ứng để bảo quản và lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Thời gian lưu trữ ít nhất là 5 năm đối với phiếu bầu cử và 10 năm đối với các tài liệu khác.
Sau khi kết thúc cuộc bầu cử, việc quản lý con dấu được thực hiện như thế nào?
Các mẫu dấu của các tổ chức phụ trách bầu cử đã được thiết kế để dùng lâu dài trong tất cả các cuộc bầu cử nhằm tiết kiệm chi phí. Do đó, sau khi kết thúc cuộc bầu cử, các tổ chức phụ trách bầu cử có trách nhiệm bàn giao con dấu của tổ chức mình cho các cơ quan hành chính Nhà nước để lưu giữ, quản lý, tiếp tục sử dụng cho cuộc bầu cử tiếp theo. Cụ thể như sau:
- Các Tổ bầu cử, Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã và Ủy ban bầu cử ở cấp xã bàn giao các con dấu của tổ chức mình cho UBND cấp huyện (qua Phòng Nội vụ) để lưu giữ và quản lý; có biên bản giao nhận các con dấu bầu cử.
- Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện và Ủy ban bầu cử ở cấp huyện bàn giao con dấu của tổ chức mình cho UBND cùng cấp (qua Phòng Nội vụ) để lưu giữ và quản lý; có biên bản giao nhận các con dấu bầu cử.
- Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh và Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh bàn giao con dấu của tổ chức mình cho UBND cấp tỉnh (qua Sở Nội vụ) để lưu giữ và quản lý; có biên bản giao nhận các con dấu bầu cử.