Mua đất để an cư, nhưng lại bất ngờ gánh khoản nợ thuế lên đến 250 triệu đồng là tình cảnh dở khóc, dở cười của bà Nguyễn Thị Hồng Vân (phường Long Tâm, TP.Bà Rịa). Nguyên nhân xuất phát từ một sai sót phổ biến, bán đất bằng hợp đồng ủy quyền thay vì thực hiện thủ tục sang tên theo quy định.
![]() |
Bán đất bằng hợp đồng ủy quyền nhiều rủi ro cho cả người bán và người mua. Ảnh: Minh họa |
Rủi ro pháp lý
Cách đây không lâu, bà Vân mua một thửa đất tại TP.Bà Rịa và làm thủ tục sang tên. Tuy nhiên, khi kiểm tra hồ sơ, cơ quan chức năng phát hiện bà đang nợ 250 triệu đồng tiền thuế đất. “Tôi hoang mang vì đây là thửa đất đầu tiên tôi mua, không có tài sản nào khác, sao lại bị nợ thuế?”, bà Vân bày tỏ.
Sau khi đối chiếu, bà Vân mới nhớ ra rằng trước đây bà từng đứng tên dùm chị gái một thửa đất tại TP.Phú Mỹ. Sau đó, chị gái bà đã bán thửa đất này cho người khác nhưng chỉ làm hợp đồng ủy quyền cho bên mua, không thực hiện hợp đồng mua bán và sang tên theo đúng quy định pháp luật.
Vấn đề phát sinh khi người mua thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng chưa nộp thuế, khiến số tiền thuế đất vẫn gắn với chủ sở hữu trên giấy tờ, tức là bà Vân. Khi cơ quan thuế truy thu, bà Vân mới tá hỏa nhận ra mình vẫn đang là chủ đất trên hồ sơ pháp lý, dù thực tế thửa đất đã thuộc về người khác từ lâu.
Luật sư Hoàng Ngọc Quý (Đoàn Luật sư Bà Rịa-Vũng Tàu) phân tích, một trong những rủi ro lớn khi sử dụng hợp đồng ủy quyền để chuyển nhượng quyền sử dụng đất thay vì hợp đồng mua bán. “Hợp đồng ủy quyền chỉ là sự thỏa thuận về việc một bên nhân danh bên kia thực hiện giao dịch chứ không chuyển giao quyền sở hữu. Do đó, về mặt pháp lý, người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn là chủ thửa đất đó. Mọi nghĩa vụ tài chính liên quan đến thửa đất, như thuế đất hay trách nhiệm pháp lý vẫn thuộc về người ủy quyền”, luật sư Hoàng Ngọc Quý nói.
Trường hợp của bà Vân cho thấy, dù không còn quyền lợi gì với thửa đất, nhưng bà vẫn phải chịu trách nhiệm nộp thuế do chưa thực hiện thủ tục sang tên cho người mua. Điều này không chỉ ảnh hưởng về tài chính mà còn có thể dẫn đến những hệ lụy pháp lý khác như tranh chấp đất đai nếu sau này người mua trên bán tiếp thửa đất cho người khác.
“Hợp đồng ủy quyền có thể bị chấm dứt bất kỳ lúc nào theo ý chí của bên ủy quyền hoặc khi bên được ủy quyền mất khả năng thực hiện. Nếu bên mua gặp rủi ro tài chính, tài sản của bên ủy quyền vẫn có thể bị ảnh hưởng, dù thực tế họ không còn sở hữu nó. Để tránh rủi ro, khi bán đất, người dân cần thực hiện đầy đủ thủ tục chuyển nhượng và sang tên, thay vì chỉ lập hợp đồng ủy quyền”, luật sư Hoàng Ngọc Quý cảnh báo.
Đại diện Chi cục Thuế khu vực XV cũng cho biết, theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019, nghĩa vụ nộp thuế khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất thuộc về người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thời điểm phát sinh nghĩa vụ thuế. Trường hợp này, nếu bà Vân vẫn là chủ sở hữu hợp pháp trên hồ sơ, thì bà có trách nhiệm nộp số tiền thuế chưa đóng. Nếu không nộp khoản thuế 250 triệu đồng, bà Vân có thể bị phạt chậm nộp thuế với lãi suất 0,03%/ngày khiến số tiền nợ thuế ngày càng tăng. Ngoài ra, cơ quan thuế có quyền cưỡng chế thuế, bao gồm phong tỏa tài khoản ngân hàng, khấu trừ thu nhập...
Bài, ảnh: TRÚC GIANG