Đề xuất 'nới' thời gian lái xe vận tải - Lợi ích kinh tế hay an toàn giao thông là ưu tiên?

Thứ Hai, 31/03/2025, 17:28 [GMT+7]
In bài này
.

Đề xuất của Hiệp hội Vận tải ô tô về việc nâng thời gian lái xe tối đa trong tuần lên 70 tiếng, thay vì 48 tiếng quy định trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đang dấy lên nhiều tranh cãi. Liệu đây là giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp hay là bước lùi nguy hiểm đối với an toàn giao thông?

Không thể phủ nhận những khó khăn mà các doanh nghiệp vận tải đang phải đối mặt sau khi quy định mới có hiệu lực, đó là tình trạng thiếu hụt tài xế, gia tăng chi phí nhân công, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tình trạng ùn tắc kéo dài, thiếu trạm dừng nghỉ trên cao tốc... 

Tuy nhiên, nếu đặt lợi ích kinh tế lên trên sự an toàn của người tham gia giao thông là một lựa chọn đầy rủi ro. Các chuyên gia đã chỉ rõ, việc lái xe liên tục trong thời gian dài, vượt quá ngưỡng cho phép, sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, căng thẳng, buồn ngủ, làm giảm khả năng tập trung và phản xạ của tài xế. Đây chính là "quả bom nổ chậm" tiềm ẩn nguy cơ gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, với những hậu quả khó lường về người và tài sản.

Chia sẻ từ chính những người lái xe cho thấy, việc chấp hành giới hạn thời gian lái xe hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có sự sắp xếp hợp lý. Dù còn những băn khoăn về những tình huống bất khả kháng như tắc đường, nhưng điều đó không thể trở thành lý do để "nới lỏng" một quy định mang tính sống còn đối với an toàn giao thông.

Việc Hiệp hội Vận tải ô tô viện dẫn kinh nghiệm từ các quốc gia có hạ tầng tốt hơn để đề xuất tăng giờ lái xe là một sự so sánh khập khiễng. Chất lượng đường sá, hệ thống giao thông và ý thức chấp hành luật lệ giao thông ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, việc tăng thời gian lái xe có thể mang lại những hệ lụy khó kiểm soát.

Thay vì đề xuất "nới" lỏng quy định, các doanh nghiệp vận tải nên tập trung vào việc tối ưu hóa quy trình vận hành, có kế hoạch tuyển dụng và đào tạo lái xe phù hợp, đảm bảo chế độ đãi ngộ thỏa đáng để giữ chân nhân lực. Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng công nghệ để quản lý và giám sát chặt chẽ thời gian làm việc của tài xế, đảm bảo họ có đủ thời gian nghỉ ngơi theo luật định.

Nhà nước cũng cần có những giải pháp đồng bộ để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải, chẳng hạn như đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, xây dựng thêm các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc, và có những chính sách hỗ trợ tài chính, đào tạo để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu.

Quy định về giới hạn thời gian lái xe không quá 10 tiếng/ngày và 48 tiếng/tuần là một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông. Dù có thể gây ra những xáo trộn nhất định trong hoạt động kinh doanh, nhưng lợi ích mà nó mang lại về mặt an toàn và tính mạng con người là không thể đong đếm. Việc "nới" lỏng quy định này, dù với bất kỳ lý do nào, cũng có thể trở thành tiền lệ nguy hiểm, đi ngược lại những nỗ lực xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh.

CHƯƠNG NGUYỄN

;
.