Báo Bà Rịa-Vũng Tàu nhận được phản ánh của nhiều người tắm biển tại Bãi Sau, TP.Vũng Tàu về việc bị sứa lửa đốt, khiến cơ thể ngứa ngáy, bỏng rát.
![]() |
Sứa lửa xuất hiện nhiều tại Bãi Sau, TP.Vũng Tàu. |
Nhiều người bị sứa lửa tấn công
Có mặt tại bãi tắm Paradise (TP.Vũng Tàu) những ngày qua, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận có nhiều sứa lửa bị sóng đánh dạt vào bờ, hình dáng như chén (bát), đường kính 3-12cm, xúc tu 60-120 cái.
Anh Lê Đức Hải (ngụ phường 1, TP.Vũng Tàu) kể, sáng 12/2 khi đang tắm biển tại đây, anh va vào vật như sợi dây, mềm, ngay sau đó là cảm giác như bị chích nhẹ vào da thịt. “Tôi lên bờ thì phát hiện tay, vai xuất hiện những nốt sưng như bị kiến cắn hay ong đốt, các đường lằn chuyển màu đỏ phồng rộp, nổi bóng nước có cảm giác nóng rát và ngứa. Nhiều người tắm biển cho biết cũng đã bị triệu chứng như vậy”, anh Hải nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu Trang, (ngụ phường 10, TP.Vũng Tàu) cho biết, gần đây chị đã bị sứa đốt 2 lần và lần nào cũng phải đến bệnh viện khám trong tình trạng da vùng chân xuất hiện nhiều vết thương dài, sưng nề.
Theo ông Nguyễn Quốc Thắng, Đội trưởng Đội cứu hộ SOS Vũng Tàu, cách đây vài ngày, một du khách tên L.A.T. (43 tuổi, ngụ quận 3, TP.Hồ Chí Minh) xuống Vũng Tàu chơi và tắm biển đã bị sứa lửa đốt vào chân. Sau khi lên bờ, da vùng chân bên trái của anh T. sưng nề, các đường lằn dọc theo vết đốt chuyển màu đỏ phồng rộp, nổi bóng nước.
Ngay khi phát hiện triệu chứng đầu tiên (đau và bỏng rát) của sứa lửa đốt, người dân cần lập tức rời khỏi vùng nước biển có sứa. Sau đó, tiến hành loại bỏ các xúc tu sứa lửa dính trên cơ thể bằng cách dùng nhíp hoặc tay (đeo găng) rồi rửa vùng da bị sứa lửa đốt (rửa với nước biển hoặc giấm để vô hiệu hóa nọc độc). Tuyệt đối không sử dụng nước ngọt hoặc cồn để rửa chỗ bị sứa lửa đốt vì có thể làm các tế bào chứa nọc độc phóng thích thêm chất độc, làm nặng vết thương.
(Bác sĩ Phan Hải Đăng, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Vũng Tàu)
|
Xử lý và phòng tránh khi bị sứa đốt thế nào?
Bác sĩ Phan Hải Đăng, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Vũng Tàu cho biết, sứa lửa là loài sứa nguy hiểm, có thể gây kích ứng, dị ứng trên da người. Khi bị sứa lửa đốt, bệnh nhân có thể có nhiều triệu chứng như đau nhói dữ dội, nổi mẩn đỏ, ngứa rát, buồn nôn, khó thở, tăng nhịp tim...
Thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do sứa biển. Trường hợp bệnh nhân đến sớm được điều trị kịp thời bằng thuốc uống và thoa đặc hiệu, thời gian phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên, có những trường hợp bệnh nhân tự chữa tại nhà, gây biến chứng nhiễm trùng, chảy dịch, loét da hoặc thương tổn lan rộng dẫn đến khó khăn trong điều trị, có trường hợp phải dùng thuốc toàn thân như kháng sinh, kháng viêm mạnh để kiểm soát.
![]() |
Những vết thương do sứa lửa để lại trên cánh tay của người đi tắm biển. |
Để đề phòng bị sứa lửa đốt, ông Võ Minh Khang, Giám đốc Phân viện, Viện Khoa học Công nghệ An toàn khuyến cáo, các gia đình nên phòng sẵn một số thuốc giảm ngứa, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và giấm để xử lý khi bị sứa đốt. Trước khi xuống tắm biển cần tìm hiểu thêm thông tin từ người dân địa phương để biết những vùng biển nào có nhiều sứa thì nên hạn chế xuống tắm.
“Nếu bơi lội trong vùng biển có nguy cơ cao xuất hiện sứa hoặc sứa lửa, người dân có thể mặc quần áo bơi bảo hộ. Người dân cần tránh xa vùng nước, vùng biển có cảnh báo sứa lửa. Sau khi bơi và lên bờ, người dân nên kiểm tra kỹ cơ thể để đảm bảo không có xúc tu nào của sứa lửa dính trên da”, ông Khang nói.
Bài, ảnh: MẠNH VŨ