Cẩn thận chiêu trò giả danh shipper để lừa đảo

Thứ Ba, 11/02/2025, 17:54 [GMT+7]
In bài này
.

Trong lúc đang họp, chị Thu Phương nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ, xưng là shipper thông báo có đơn hàng. Khi hỏi lại là đơn hàng gì, shipper nói đúng tên sản phẩm chị đã đặt ở một trang chuyên bán trên Facebook với số tiền 215 ngàn đồng. Do không ở nhà, cũng như nhiều lần trước chị thường dặn shipper để trên kệ đặt ngay sảnh chung cư rồi sẽ chuyển khoản.

Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản thì shipper gọi lại, báo với chị đã gửi nhầm số tài khoản, số tiền trên không vào tài khoản của shipper mà vào tài khoản của trung tâm chuyển phát. Cùng lúc, chị lại nhận một tin nhắn từ số điện thoại lạ với nội dung: “Bưu điện Việt Nam VNPost xin chúc mừng bạn đã đăng ký thành công thẻ hội viên giao hàng. Bạn đã chuyển thành công số tiền 215 ngàn tới số tài khoản tự động của trung tâm. Thông tin chi tiết và địa điểm làm việc sẽ được gửi qua tin nhắn cho bạn và đồng thời tính năng khấu trừ tự động 3,5 triệu đồng sẽ được kích hoạt trên tài khoản của bạn…”.

Lúc này shipper liên tục gọi điện đề nghị chị Thu Phương vào đường link lạ để hủy tư cách thành viên để hàng tháng shipper không bị trừ số tiền trên. Thấy lạ, chị Thu Phương liền gọi điện cho bưu điện thì được xác nhận đây là chiêu trò lừa đảo, khẳng định đơn vị này không bao giờ gửi tin nhắn như trên và đề nghị chị tuyệt đối không được nhấp vào đường link lạ do bọn lừa đảo gửi tới.

Tuy nhiên, điều mà chị Thu Phương băn khăn là không hiểu vì sao bọn lừa đảo, giả danh shipper lại biết rất rõ tên, địa chỉ, số tiền đơn hàng và nói chuyện cực kỳ chuyên nghiệp. Qua trò chuyện với các shipper của các công ty vận chuyển mới được biết, chị không phải là trường hợp duy nhất. Thời gian gần đây, rất nhiều người bị lừa, chuyển nhầm tiền cho bọn lừa đảo, giả làm shipper, thậm chí có những đơn hàng giá trị từ 1 triệu đến vài triệu đồng.

Thời gian qua Bộ Công an đã cảnh báo vấn nạn trên và đề nghị người dân tuân thủ nghiêm việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, đặc biệt là các thông tin liên quan đến đơn hàng, không nhấp vào các đường link lạ và cảnh giác những số điện thoại tự xưng là trung tâm hỗ trợ. Điều này giúp ngăn chặn các đối tượng lừa đảo có thể nắm được thông tin về nhu cầu mua hàng của người dùng và dàn dựng các kịch bản lừa đảo tiếp theo. Đồng thời, cần bảo mật, hạn chế việc chia sẻ thông tin cá nhân, địa chỉ và số điện thoại công khai trên mạng xã hội, đặc biệt là trong các buổi livestream.

Cục An toàn thông tin cũng đã phát đi cảnh báo thủ đoạn giả danh nhân viên giao hàng của các thương hiệu chuyển phát uy tín để chiếm đoạt tài sản của người dân. Theo Cục An toàn thông tin, để không trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo tuyển dụng, các ứng viên cần cẩn trọng trước những thông tin không rõ nguồn gốc hoặc các cuộc gọi, tin nhắn bất thường. Hiện nay, các DN, đơn vị hoạt động dịch vụ bưu chính, chuyển phát đều có website và ứng dụng để tra cứu thông tin mã vận đơn, lịch trình vận chuyển, do đó người dân nên chủ động truy cập để theo dõi lịch trình của đơn hàng, đảm bảo đúng đơn hàng đã đặt trước khi nhận hàng, tránh mắc bẫy lừa đảo một cách dễ dàng.

LAM GIANG

 
;
.