Để quản lý chó thả rông và kiểm soát bệnh dại, huyện Côn Đảo đã cấp phát thẻ có mã QR đến từng gia đình để đeo cho vật nuôi. Cách làm này được người dân ủng hộ vì sẽ hạn chế tình trạng chó cắn người hoặc gây mất an toàn giao thông (ATGT).
Các thông tin của vật nuôi được công khai trên Cổng thông tin UBND huyện Côn Đảo. |
Từ đầu tháng 11, huyện Côn Đảo đã hoàn tất công tác phát thẻ đeo cho chủ hộ vật nuôi đã đăng ký, đồng thời phổ biến quy định mới về quản lý, xử phạt chủ của chó, vật nuôi vi phạm.
Khi biết huyện Côn Đảo triển khai cấp phát thẻ đeo có gắn mã QR để kiểm soát đàn chó, gia đình ông Ngô Văn Hải, khu dân cư số 7 đồng tình hưởng ứng và đăng ký ngay. Theo ông Hải, đây là một chủ trương đúng của huyện, góp phần đảm bảo an toàn cho người dân, du khách. “Trước đây, có tình trạng chó thả rông ngoài đường cắn người, mất ATGT nhưng không xác định được vật nuôi của ai để xử lý”, ông Hải nói.
Theo bà Phan Thị Tím, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Côn Đảo, thông qua thẻ đeo, huyện dễ quản lý đàn chó nuôi trên địa bàn hơn so với trước đây. Việc đeo vòng có gắn mã QR không chỉ giúp người dân, chính quyền nhận biết đâu là chó nhà và đâu là chó thả rông mà còn giúp người nuôi ý thức hơn về việc quản lý vật nuôi.
Mã QR cho phép người truy cập có thể biết một số thông tin cần thiết như: tên chủ vật nuôi, địa chỉ nhà, số chó nuôi và tình trạng tiêm chủng của vật nuôi. Các thông tin được công khai trên Cổng thông tin UBND huyện Côn Đảo.
“Sau đợt bàn giao thẻ đeo, đội bắt chó thả rông của UBND huyện Côn Đảo sẽ hoạt động liên tục, không theo quy luật để mạnh tay hơn với nạn chó thả rông. Người dân đã được tuyên truyền về tác hại của chó thả rông nhiều lần và việc đeo thẻ có mã QR càng thể hiện hơn tầm quan trọng của việc kiểm soát chó thả rông”, bà Tím thông tin.
Theo UBND huyện, đây là lần đầu tiên địa phương ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát đàn vật nuôi, với mục tiêu đảm bảo an toàn cho người dân và du khách, kiểm soát tốt công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn huyện. Các địa phương khác cũng đã liên hệ huyện để tham khảo học hỏi cách làm này.
Ông Nguyễn Xuân Linh, Thành viên tổ bắt chó thả rông tại TP.Vũng Tàu cho biết, từ đầu năm đến nay, địa phương thường xuyên tổ chức lực lượng đi bắt chó thả rông trên các tuyến đường, tuy nhiên, việc làm này còn gặp nhiều khó khăn. “Nguyên nhân do chủ nuôi không hợp tác, chó đi cả đàn nhưng khi bắt một con thì những con khác bỏ trốn hết. Chó bắt về được địa phương thông báo rộng rãi thông tin, đặc điểm nhận dạng vật nuôi, khu vực bắt để chủ vật nuôi liên hệ giải quyết. Tuy nhiên, hầu hết chủ vật nuôi không tới nhận chó. Việc xử lý chó sau khi bắt về cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu cách làm này ở Côn Đảo có hiệu quả, ông rất mong sớm triển khai tại TP.Vũng Tàu”, ông Linh nói.
Ông Bùi Quang Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đánh giá rất cao sáng kiến của huyện Côn Đảo. Theo ông Tuấn, hành động cụ thể này góp phần giữ vững được vùng an toàn bệnh dại của Côn Đảo, đảm bảo an toàn cho người dân. Mô hình này của huyện rất đáng để nhân rộng ra các địa phương khác.
Bài, ảnh: MẠNH VŨ