Nông dân Phước Thuận, Phước Tân (Xuyên Mộc): Chờ giải pháp chống ngập cục bộ hiệu quả hơn

Thứ Ba, 03/12/2024, 18:06 [GMT+7]
In bài này
.

Dù đã sắp hết mùa mưa, nhưng người dân nuôi trồng thủy sản, canh tác lúa trên địa bàn xã Phước Thuận, Phước Tân (huyện Xuyên Mộc) vẫn trăn trở về tương lai sản xuất trong mỗi lần mưa tới. Họ mong chờ một phương án phòng, chống ngập cục hộ hiệu quả hơn.

Ông Phạm Tiến Dũng (ngụ ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) phản ánh tình trạng ngập úng gây thiệt hại con giống.
Ông Phạm Tiến Dũng (ngụ ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) phản ánh tình trạng ngập úng gây thiệt hại con giống.

Lo lắng thường trực

Theo phản ánh của người dân tại xã Phước Thuận, những cơn mưa lớn vào tháng 9-10 vừa qua đã gây thiệt hại mùa màng, ảnh hưởng đến năng suất lúa cũng như nuôi trồng thủy sản.

Dẫn chúng tôi đi dọc tuyến sông Ray và hạ lưu đập sông Kinh, ông Phạm Tiến Dũng (ngụ ấp Ông Tô, xã Phước Thuận) chỉ ra hàng loạt khu vực từng ngập cục bộ vào mùa mưa năm nay trên địa bàn xã.

Ông Dũng cho biết, tại ấp Ông Tô và Gò Cát có hàng chục ha nuôi tôm, cua. Hiện nay, ông Dũng cũng nuôi trồng thủy sản với diện tích khoảng 1ha, đây là nguồn kinh tế chính của gia đình.

Thế nhưng, tháng 9 vừa qua, khi hồ chứa nước sông Ray và sông Hỏa xả lũ cộng với triều cường dâng cao dẫn đến nước tràn vào đùng nuôi cua của gia đình gây ngập úng, thất thoát con giống. Không chỉ gia đình ông Dũng, một số hộ dân nuôi trồng thủy sản dọc sông Ray và hạ lưu đập sông Kinh cũng bị thiệt hại sau những trận mưa lớn hoặc đợt xả lũ.

Đơn cử, gia đình ông Ngọc Hiệp (ngụ ấp Ông Tô, xã Phước Thuận) canh tác thủy sản ở phía hạ lưu đập sông Kinh nhiều lần phải… chạy lũ. "Bờ đê nơi gia đình nuôi trồng thủy sản tương đối thấp nên các đợt xả lũ hoặc mưa lớn xảy ra ngập úng khiến đùng nuôi tôm, cua bị thiệt hại nghiêm trọng. Người dân mong cơ quan chức năng có phương án xây dựng đê bao ngăn để giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân", ông Hiệp nói.

Xin ý kiến đưa vào đầu tư trung hạn

Tại buổi tiếp xúc cử tri ở xã Phước Tân vào ngày 5/11, cử tri Nguyễn Thị Bích Thủy (ngụ ấp Tân Rú) cũng phản ánh việc xả lũ vào mùa mưa năm nay đã gây ngập úng, hư hại khoảng 25ha lúa của nông dân trên địa bàn. Cử tri kiến nghị chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ thiệt hại cũng như tìm giải pháp ngăn ngừa ngập úng nhằm ổn định sản xuất.

Lãnh đạo UBND xã Phước Thuận cho biết, thời điểm tháng 9 có xảy ra mưa lớn trên địa bàn, cộng với nguồn nước từ sông Ray, hồ sông Hỏa và mương tiêu Phước Bửu tập trung đổ về xã để thoát ra biển dẫn đến ngập lụt các cánh đồng và khu vực nuôi trồng thủy sản.

Thời điểm này, địa phương có nắm thông tin và thành lập đoàn xác minh gồm Phòng NN-PTNT, Trạm Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi, Hội nông dân xã cùng Ban điều hành các ấp đến khảo sát, ghi nhận hiện trạng, thống kê thiệt hại.

Qua đó, đoàn xác định có 192ha lúa trên địa bàn xã bị ngập, trong đó có 18ha lúa Hè Thu chưa thu hoạch và 174ha lúa vụ Mùa đã gieo sạ. Đồng thời, địa phương cũng ghi nhận một số khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân bị ngập gây thiệt hại kinh tế.

UBND xã Phước Thuận đã chỉ đạo Ban điều hành các ấp vận động người dân dọn dẹp cỏ dại, khơi thông dòng chảy các tuyến mương nội đồng. Địa phương cũng ghi nhận hiện trạng diện tích lúa và khu vực nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại để có cơ sở báo cáo đến UBND huyện, qua đó tìm phương án tháo gỡ, bảo đảm sản xuất cho nông dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi tỉnh (thuộc Sở NN-PTNT) cho biết, năm 2024, khi lượng mưa tăng đột biến kết hợp với triều cường đã gây ảnh hưởng đến một số địa phương.

"Đối với phản ánh của các hộ dân nuôi trồng thủy sản tại xã Phước Thuận, đơn vị sẽ báo cáo Sở NN-PTNT về hiện trạng để xin ý kiến của UBND tỉnh đưa vào đầu tư trung hạn tuyến đê bao tại khu vực này", ông Trần Văn Hiếu thông tin.

Bài, ảnh: HÀN LẬP

 
;
.