Giao dịch tài chính qua trung gian: Nắm rõ quy trình để tránh rủi ro

Thứ Tư, 04/12/2024, 17:08 [GMT+7]
In bài này
.

Ông Lê Quang Hiển (phường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu) phản ánh đến Báo Bà Rịa-Vũng Tàu về việc bị ngân hàng phong tỏa tài khoản, giải chấp tài sản không báo trước, yêu cầu chuyển tiền khi thỏa thuận chưa hoàn tất và tiêu hủy hồ sơ tranh chấp. Điều này đặt khách hàng vào rủi ro pháp lý và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi.

Ông Lê Quang Hiển (phường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu) trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu  về những rủi ro khi ông ký hợp đồng ba bên qua ngân hàng.
Ông Lê Quang Hiển (phường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu) trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu về những rủi ro khi ông ký hợp đồng ba bên qua ngân hàng.

Trong đơn phản ánh, ông Hiển trình bày, tháng 6/2024, ông và vợ thỏa thuận mua bất động sản thuộc Khu nhà ở Đồi 2 (TP.Vũng Tàu) từ vợ chồng ông Nguyễn Văn Trường và bà Phan Thị Minh Huệ. Tài sản này đang thế chấp tại MBBank để vay vốn và thuộc nhóm nợ xấu.

Theo thỏa thuận, ba bên gồm: ông Hiển, vợ chồng bên bán và MBBank sẽ ký “Thỏa thuận quản lý tiền vay và phối hợp trong quá trình chuyển nhượng”. Tuy nhiên, trước khi văn bản này được hoàn tất, ngày 8/8/2024, tài khoản của vợ ông Hiển tại MBBank bị phong tỏa, đồng thời ngân hàng yêu cầu ông chuyển 770 triệu đồng (vốn tự có) vào tài khoản bên bán.

Điều đáng nói, thỏa thuận ba bên được ký vào ngày 12/8/2024, bên bán chỉ có sự tham gia của ông Trường nhưng không có chữ ký của bà Huệ. Sau khi ký thỏa thuận ba bên, ngay trong chiều 12/8, ngân hàng thông báo rằng, bên bán từ chối giao dịch do bà Huệ không đồng ý bán nhà.

“Tôi đã chuyển tiền cũng như làm theo hướng dẫn của ngân hàng, nhưng cuối cùng bị đẩy vào tình thế bất lợi. Tôi nghi ngờ số tiền 770 triệu đồng của tôi đã bị sử dụng để xử lý nợ xấu của bên bán mà tôi không hề hay biết”, ông Hiển nói.

Sau khi giao dịch thất bại, ông Hiển khiếu nại yêu cầu ngân hàng làm rõ cơ sở pháp lý cho các hành động phong tỏa tài khoản và yêu cầu chuyển tiền. Tuy nhiên, khi vụ việc chưa được giải quyết, ông phát hiện vào ngày 15/8/2024, MBBank đã đơn phương tiêu hủy toàn bộ hồ sơ liên quan đến giao dịch bao gồm hợp đồng đặt cọc, thỏa thuận ba bên và các chứng từ liên quan, mà không thông báo đầy đủ cho ông.

Không dừng lại ở đó, ngày 23/9/2024, ông Hiển phát hiện tài sản mà ông dự định mua đã được ngân hàng giải chấp và bên bán chuyển nhượng cho người khác mà không thông báo trước cho ông. “Việc tiêu hủy hồ sơ khi tranh chấp chưa được giải quyết làm tôi không có bằng chứng bảo vệ quyền lợi của mình”, ông Hiển nói thêm.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc MBBank-Chi nhánh Vũng Tàu khẳng định, ngân hàng đã thực hiện đúng vai trò trung gian trong giao dịch này. “Việc phong tỏa tài khoản và yêu cầu chuyển tiền là nhằm đảm bảo nghĩa vụ tài chính của các bên. Ngân hàng không can thiệp vào quyết định thay đổi ý định của bên bán”, ông Hoàng lý giải.

Về thỏa thuận ba bên, ông Hoàng cho rằng, việc chỉ có ông Trường là người đứng tên tài khoản nên một mình ông ký tên là hợp lý. “Thỏa thuận này chỉ liên quan đến tài khoản ngân hàng. Việc thiếu chữ ký của bà Huệ là vấn đề thuộc thẩm quyền cá nhân bên bán”, ông Hoàng nhấn mạnh. Ông Hoàng thông tin thêm, sau khi giao dịch thất bại, bên bán đã bồi thường 40 triệu đồng cho ông Hiển để giải quyết tổn thất.

Theo Luật sư Hoàng Ngọc Quý (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng nêu rõ, ngân hàng chỉ được phép phong tỏa tài khoản khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng. Nếu thỏa thuận ba bên chưa được ký kết, việc phong tỏa là trái luật và xâm phạm quyền sở hữu tài sản của khách hàng. Đặc biệt, ngân hàng yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản bên bán khi giao dịch thỏa thuận ba bên chưa hoàn tất là hành vi thiếu trách nhiệm. Điều này đẩy khách hàng vào thế rủi ro tài chính.

Cũng theo luật sư Quý, việc tiêu hủy hồ sơ khi tranh chấp chưa được giải quyết là hành vi vi phạm quy định về lưu trữ tài liệu tài chính và cản trở quá trình xác minh pháp lý. Ngoài ra, ngân hàng có trách nhiệm thông báo rõ ràng cho khách hàng về mọi biến động liên quan đến tài sản thế chấp. Việc tự ý giải chấp mà không thông báo cho ông Hiển là vi phạm nghĩa vụ trung gian.

Luật sư Quý khuyến nghị, ông Hiển có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp tài liệu minh bạch như sao kê tài khoản bên bán và hồ sơ giao dịch nội bộ. Đồng thời có quyền khởi kiện, đòi bồi thường tài chính, tinh thần và cơ hội mua bất động sản khác.

Vụ việc ông Lê Quang Hiển là lời cảnh tỉnh cho khách hàng khi giao dịch tài chính, mua bán bất động sản thông qua trung gian. Khách hàng cần nắm rõ quy trình, không chuyển tiền khi chưa đủ điều kiện pháp lý và yêu cầu tài liệu minh bạch từ các bên liên quan.

TRÚC GIANG

 
;
.