.

Khó đòi lại đất sau khi hết thời hạn kháng cáo

Cập nhật: 16:53, 11/11/2024 (GMT+7)

Báo Bà Rịa - Vũng Tàu nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Hồng, ấp Trang Nghiêm, xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc) phản ánh về vụ tranh chấp đất đai giữa bà và ông Hoàng Anh Phan (TT.Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc). Tuy nhiên, từ vụ việc này cho thấy, khi thời hạn kháng cáo đã qua, việc đòi lại đất là rất khó.

Diện tích đất 2ha mà bà Hồng (xã Bông Trang) cho rằng gia đình bà khai phá hiện đang tranh chấp  với ông Hoàng Anh Phan.
Diện tích đất 2ha mà bà Hồng (xã Bông Trang) cho rằng gia đình bà khai phá hiện đang tranh chấp với ông Hoàng Anh Phan.

Từ đất khai hoang đến tranh chấp 

Theo trình bày của bà Hồng, đầu năm 1990, vợ chồng bà có khai hoang đất rừng với diện tích khoảng 5ha tại khu vực nay thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) và trồng cây điều để canh tác đến năm 1995. Tuy nhiên, khi đang cày đất thì bị kiểm lâm tại trạm 6 (nay thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu) thu giữ phương tiện, phạt người làm thuê, thu hồi diện tích đất 2ha của gia đình bà.

Việc này buộc gia đình bà ngừng sử dụng đất từ đó đến năm 2014. Sau đó, bà Hồng phát hiện 2ha đất gia đình bà khai hoang không thuộc quản lý của khu bảo tồn. Sau đó tìm hiểu thêm, bà phát hiện ông Hoàng Anh Phan đang canh tác trên phần đất gia đình bà đã khai hoang trước đây.

Năm 2018, bà Hồng khởi kiện ra TAND huyện Xuyên Mộc, yêu cầu tòa án buộc ông Phan trả lại diện tích đất đang tranh chấp nói trên (thuộc thửa 77, 68 tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc).

Tuy nhiên, ông Phan lập luận rằng, diện tích đất này ông Phan nhận từ ông Nguyễn Duy Tân vào năm 1999, và trước đó ông Tân lại tiếp nhận đất từ ông Chu Thế Tân, người ký hợp đồng khoán đất với Khu bảo tồn từ năm 1997. Nhưng  việc trao nhận lại không có bất cứ giấy tờ pháp lý nào để chứng minh.

Theo ông Phan, dù hợp đồng khoán đất giữa ông Tân và Khu bảo tồn đã bị hủy, nhưng Khu bảo tồn vẫn chấp thuận cho ông tiếp tục sử dụng và sau đó ký lại hợp đồng vào năm 2016 với diện tích 2ha.

Tại bản án ngày 18/9/2018 của TAND huyện Xuyên Mộc nhận định rằng, bà Nguyễn Thị Hồng không cung cấp được tài liệu nào chứng minh quyền sử dụng đất. Các chứng cứ cho thấy, bà Hồng và ông Thắng (chồng bà Hồng) không sử dụng đất liên tục mà chỉ khai hoang, sử dụng đất từ năm 1990 đến 1995. Gia đình bà Hồng cũng không chứng minh được khu bảo tồn thu hồi đất của gia đình mình tại khu vực nói trên.

Theo Luật Đất đai, việc không sử dụng đất liên tục sẽ dẫn đến nhà nước thu hồi đất và không thừa nhận quyền đòi lại đất đã giao cho người khác. Ngoài ra, bà Hồng không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước trong suốt thời gian sử dụng đất từ năm 1990 đến 1995.

Từ những yếu tố trên, Tòa án nhận định không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của vợ chồng bà Hồng cũng như không công nhận quyền sử dụng diện tích đất 2ha thuộc về họ.

Khó đòi lại đất

Sau khi có bản án sơ thẩm năm 2020, bà Hồng có đơn kháng án, tuy nhiên lại rút đơn, khiến bản án sơ thẩm chính thức có hiệu lực sau thời hạn kháng án theo quy định.

Luật sư Thịnh Đình Quang (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, theo Điều 273, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, thời hạn kháng cáo, kháng nghị đối với bản án dân sự sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc từ ngày bản án được niêm yết.

Khi đã rút đơn kháng án và thời hạn kháng án đã hết, bản án sơ thẩm có hiệu lực ngay lập tức và việc phản đối phán quyết hoặc yêu cầu xét lại bản án gần như không thể. Trong các vụ án dân sự về tranh chấp đất đai, đây là quy định rất nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo các phán quyết của tòa án có tính ổn định cao.

Theo luật sư Quang, khi bản án đã có hiệu lực, việc đòi lại đất như trường hợp của bà Hồng là rất khó khăn, trừ khi có chứng cứ mới quan trọng mà tòa án chưa xem xét trong quá trình xét xử.

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, chỉ khi có cơ sở xác định bản án có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, hoặc có chứng cứ mới quan trọng mà tòa án chưa xem xét trong quá trình xét xử thì bà Hồng mới có thể đề nghị Viện kiểm sát hoặc Tòa án cấp trên giám đốc thẩm hoặc tái thẩm lại vụ án.

Tuy nhiên, việc giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ được xem xét khi có chứng cứ rõ ràng về sai sót trong bản án, và điều này cần dựa trên hồ sơ và thực tế do cơ quan chức năng thu thập.

“Tranh chấp đất đai thường rất phức tạp, nhất là khi liên quan đến đất rừng và các quy định về giao khoán, khai hoang đất rừng. Do đó, người dân khi khởi kiện cần nắm vững quyền, nghĩa vụ của mình trong quá trình tố tụng, đảm bảo cung cấp đầy đủ chứng cứ và theo dõi sát sao diễn biến của vụ án để tránh mất quyền kháng án một cách đáng tiếc”, Luật sư Quang khuyến nghị.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

 
.
.
.