Vì sao hàng chục ha lúa tại xã Phước Hội bị chết?
Người dân trồng lúa tại cánh đồng Bưng và đồng Yên, xã Phước Hội (huyện Đất Đỏ) cho biết, nhiều năm trở lại đây, hàng loạt ha lúa bị chết hoặc giảm năng suất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh kế.
Nghi lúa chết do nhiễm mặn?
Cánh đồng Bưng, đồng Yên liền kề nhau chạy dọc theo con mương thủy lợi nối dài đổ ra cửa biển và được ngăn mặn tại đập Hóc Cùng. Từ lâu, người dân vẫn canh tác đều 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu sớm (từ tháng 11 đến tháng 7 âm lịch năm sau).
Nhiều ha lúa tại cánh đồng Yên bị bỏ hoang vì lúa chết chưa rõ nguyên nhân. |
Vào mùa khô, mương thủy lợi cạn trơ đáy nên người dân phải khoan giếng lấy nước tưới, nhưng năng suất lúa vẫn ổn định. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, cả chục ha lúa liên tục bị chết nên nông dân phải gieo lại 2-3 lần, năng suất cũng giảm nghiêm trọng. Theo người dân, khu vực này gần cống ngăn mặn, nên khả năng lúa chết có thể do bị nhiễm mặn.
Ông Trương Văn Tấn buồn rầu dẫn chúng tôi đi xem những thửa ruộng bỏ hoang tại đồng Yên không thể canh tác nghi bị nhiễm mặn. Một số thửa ở gò cao đang trồng lúa, nhưng năng suất giảm nhiều so với trước đây. Ông Tấn cho biết thêm, những năm gần đây, nông dân ngán ngẩm vì phải gieo sạ lại nhiều lần do lúa chết liên tục. Khi họ nếm thử nước tại ruộng thì phát hiện có vị mặn nên đã báo chính quyền địa phương đến kiểm tra.
“Hiện nay, hầu hết ruộng dọc mương thủy lợi không thể trồng lúa, bỏ hoang rất nhiều. Chúng tôi mong chính quyền các cấp sớm vào cuộc, tìm giải pháp để người dân được tiếp tục sản xuất”, ông Tấn nói.
Đầu tư tuyến mương thoát nước mới
Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Xuân Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hội cho biết, qua tiếp nhận thông tin người dân phản ánh ruộng trồng lúa nghi bị nhiễm mặn, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng các ngành đến thực địa kiểm tra, xác minh.
Tháng 7/2024, Phòng NN-PTNT huyện Đất Đỏ phối hợp với các ngành chức năng khảo sát, lấy mẫu nước tại 3 chân ruộng cánh đồng Yên và một mẫu nước tại mương thủy lợi. Các mẫu nước kiểm tra đều cho kết quả không nhiễm mặn. Tuy nhiên, người dân không đồng tình với kết quả này vì thời điểm lấy mẫu nước đang là mùa mưa, lượng nước đổ về đồng nhiều nên kết quả không chính xác. Vì vậy, cần chờ đến vụ Đông Xuân hoặc lấy mẫu đất vào mùa khô mới cho kết quả chính xác.
“Đối với khu vực trồng lúa không còn hiệu quả, địa phương đã kiến nghị UBND huyện cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng để bảo đảm đời sống của nông dân. Đồng thời, địa phương đã kiến nghị đầu tư kênh thủy lợi để tiêu thoát nước, phục vụ sản xuất của nông dân”, ông Bảo nói.
Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Đất Đỏ, diện tích gieo sạ lúa vụ Hè Thu trên địa bàn xã Phước Hội thời gian qua là 8ha. Diện tích không gieo sạ, bỏ hoang khoảng 15ha. Tuy nhiên, sau khi gieo sạ chỉ khoảng 2-3ha lúa trên gò cao còn sống và phát triển, còn lại lúa chết không rõ nguyên nhân.
Do thời điểm lấy mẫu nước kiểm tra không có độ mặn nên Phòng NN-PTNT đề nghị Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cùng người dân tiếp tục theo dõi quá trình gieo sạ lúa trong thời gian tới và báo cáo khi phát hiện dấu hiệu bất thường.
Ngày 23/7, UBND huyện Đất Đỏ đã có văn bản yêu cầu UBND xã Phước Hội cùng người dân tiếp tục theo dõi diện tích lúa đã gieo sạ đang phát triển để báo cáo kịp thời khi phát hiện bất thường. UBND huyện cũng giao Phòng NN-PTNT lấy mẫu nước, mẫu đất sau khi vụ Đông Xuân kết thúc để phân tích, đánh giá kết quả, tìm nguyên nhân lúa bị giảm năng suất, bị chết.
Đồng thời, UBND huyện giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng bê tông tuyến mương từ cầu Bà Mía đến đập ngăn mặn Hóc Cùng với chiều dài 4.775m. Dự án khi hoàn thành sẽ ổn định tưới, tiêu sản xuất nông nghiệp tại địa phương theo mùa vụ, chống ngập úng vào mùa mưa, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Bài, ảnh: HÀN LẬP