Khi DN ngừng hoạt động và trả lại giấy phép kinh doanh, nhiều DN nộp thuế vẫn nhận yêu cầu đóng thuế từ cơ quan quản lý. Điều này xảy ra do vẫn còn nợ thuế hoặc chưa hoàn tất thủ tục đóng mã số thuế. Vậy DN cần thực hiện những bước nào để hoàn tất thủ tục này?
Người dân đến làm việc tại cơ quan thuế. |
Chị Nguyễn Phương Thảo (phường 8, TP.Vũng Tàu) từng mở một spa tại TP.Vũng Tàu. Đến cuối tháng 5/2021, việc kinh doanh không đem lại kết quả nên chị sang nhượng mặt bằng cũng như cơ sở lại cho người khác.
Sau đó, chị Thảo trả lại giấy phép kinh doanh và thông báo cho cán bộ thuế quản lý khu vực là, hộ kinh doanh mới sẽ hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế từ tháng 6/2021 cho đến nay. Tuy nhiên, đến 31/8/2024, khi xuất cảnh đi nước ngoài thì chị bất ngờ bị hải quan từ chối với lý do còn nợ thuế.
Ngày 5/9, chị Thảo đến Chi cục thuế Vũng Tàu-Côn Đảo làm việc và được một cán bộ ở đây cho biết, chị còn nợ thuế với tổng số tiền là 1.348.000 đồng, bao gồm thuế môn bài 2021 và tiền phạt chậm nộp từ năm 2021 đến nay. Do chưa đóng thuế môn bài và chưa hoàn tất thủ tục đóng mã số thuế, nên hệ thống tự động treo nợ và yêu cầu chị phải đóng đủ số tiền trên.
Cán bộ thuế giải thích thêm, sở dĩ hệ thống báo nợ thuế từ tháng 6/2021 đến hiện tại là do trước thời điểm này, chị Thảo còn nợ thuế môn bài của năm 2021, nhưng do chưa đóng, nên số tiền này được hệ thống cập nhật vào mục chậm nộp được quy định tại Điều 59, Luật Quản lý Thuế 2019.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ khóa mã số thuế của hộ kinh doanh, cơ quan quản lý thuế chuyển hồ sơ trạng thái của hộ kinh doanh sang trạng thái “NNT ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế” trên Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế đối với hoạt động kinh doanh.
Đồng thời, cơ quan thuế kiểm tra chủ hộ kinh doanh đã hoàn thành các nghĩa vụ chưa, sau đó mới có công văn xác nhận để thực hiện tiếp quy trình trả giấy phép.
Sau khi hoàn thành thủ tục trong việc khóa mã số thuế bên cơ quan thuế và nhận được văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế, hộ kinh doanh thực hiện thủ tục trả giấy phép của hộ kinh doanh tại UBND cấp quận, huyện nơi đăng ký vị trí kinh doanh trước đó.
Sau khi nhận được hồ sơ trong 3 ngày làm việc, UBND cấp quận, huyện trả văn bản xác nhận hộ kinh doanh đã trả giấy phép kinh doanh và đây là bước hoàn thành thủ tục giải thể hộ kinh doanh.
Khoản 2, Điều 59 Luật Quản lý thuế 2019 quy định mức tính tiền chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp được quy định như sau: mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Như vậy, theo quy định nêu trên, người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Luật sư Nguyễn Đình Tân, Đoàn Luật sư tỉnh
|
Để hoàn tất thủ tục đóng mã số thuế trên hệ thống, hộ kinh doanh cần nộp đủ các khoản thuế phát sinh trong thời gian hoạt động tính đến thời điểm giải thể hộ kinh doanh bao gồm các loại thuế như thuế môn bài, thuế khoán. Nếu hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn thì phải làm thông báo hủy hóa đơn, cắt góc hóa đơn (đối với hoá đơn giấy), nộp báo cáo tình hình của việc sử dụng hóa đơn.
Tiếp theo, hộ kinh doanh phải hoàn tất thủ tục đóng mã số thuế tại Chi cục thuế quản lý. Khi có thông báo hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì lúc này mã số thuế hộ kinh doanh cá thể mới chấm dứt hiệu lực và không còn được dùng trong các giao dịch kinh tế theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019.
Bài ảnh: MẠNH VŨ