Vi phạm quy định về vạch kẻ đường bị phạt thế nào?

Thứ Năm, 29/08/2024, 17:38 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều người chưa hiểu về vạch kẻ đường như: "vạch xương cá", vạch đường ưu tiên, vạch đường hình thoi… nên thường xuyên vi phạm. Vậy chế tài xử lý đối với lỗi đè vạch này như thế nào?

Người dân đậu xe ở vạch xương cá. Ảnh chụp trên đường Huyền Trân Công Chúa (phường 8, TP.Vũng Tàu).
Một trường hợp đậu xe ở vạch xương cá trên đường Huyền Trân Công Chúa (phường 8, TP.Vũng Tàu). Tàu).

Thấy đường trống là đi

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, tại nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh, tình trạng vi phạm lỗi đè vạch kẻ đường diễn ra phổ biến. Cụ thể, quan sát tại tuyến đường Lê Trọng Tấn (TP.Bà Rịa) trong 30 phút, có hơn 10 trường hợp lưu thông đè "vạch xương cá"-vạch giới hạn phần mặt đường không sử dụng cho xe chạy.

Trong khi đó, người tham gia giao thông có nhiều lý do trần tình về lỗi đè vạch kẻ đường. “Tôi cứ nghĩ đường trống, không có chướng ngại vật là có thể đi được, mà không biết đó là vi phạm Luật Giao thông đường bộ”, ông Ng.Th.V. (xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) nói.       

Bên cạnh đó, nhiều người còn chưa hiểu rõ về vạch làn đường ưu tiên; vạch kẻ đường hình con thoi...

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Đỗ Xuân Hoàn, Trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết, thời gian qua, nhờ tăng cường công tác tuyên truyền, hiểu biết của các tài xế về vạch kẻ đường đã tăng lên đáng kể và chấp hành tốt khi tham gia giao thông. “Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp chưa hiểu rõ các quy định về vạch kẻ đường, dẫn đến vi phạm”, Thượng tá Đỗ Xuân Hoàn nói.

Tại đường Lê Trọng Tấn (TP.Bà Rịa) phóng viên ghi nhận nhiều trường hợp đè vạch xương cá.
Tại đường Lê Trọng Tấn (TP.Bà Rịa) phóng viên ghi nhận nhiều trường hợp đè vạch xương cá.

Vi phạm quy định vạch kẻ đường bị “phạt” như thế nào?

Luật sư Nguyễn Đình Tân (đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT về báo hiệu đường bộ, “vạch xương cá” là vạch 4.2, được sử dụng để giới hạn các phần mặt đường không sử dụng cho xe chạy mà sử dụng để kênh hóa các dòng giao thông trên đường. Cụ thể, như dẫn hướng xe ở trạm thu phí, kênh hóa các dòng xe trong phạm vi các nút giao cùng mức ở ngã ba, ngã tư phức tạp… Các phương tiện giao thông không được đè, lấn “vạch xương cá”, trừ những trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ.

 Đối với vạch kẻ đường ưu tiên, đây là vạch 2.3., là vạch giới hạn làn đường ưu tiên. Theo quy định, vạch trắng nét liền là dành riêng cho một loại xe nhất định, các loại xe khác không được phép vào làn này. Vạch trắng nét đứt dành riêng cho một loại xe nhất định, các xe khác có thể sử dụng làn đường này, nhưng phải nhường đường cho những xe được ưu tiên khi xuất hiện loại xe này trên làn xe.

Vạch kẻ đường hình con thoi là vạch 7.6, được sử dụng để báo hiệu sắp đến chỗ có vạch kẻ cho người đi bộ qua đường, để cảnh báo người điều khiển phương tiện phải nhường đường cho người đi bộ.

Hành vi điều khiển phương tiện giao thông đè vạch kẻ đường là không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của vạch kẻ đường. Theo đó, mức xử phạt của lỗi này được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.

Cụ thể, phạt tiền từ 100-200 ngàn đồng đối với xe máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng; 300-400 ngàn đồng đối với ô tô; 80-100 ngàn đồng đối với xe đạp, xe đạp điện khi phạm lỗi đè vạch kẻ đường. Trong trường hợp xảy ra TNGT, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 2-4 tháng.

Bài, ảnh: MẠNH VŨ-TRÚC GIANG

 
;
.