.
TRƯỜNG MẦM NON HOA SEN (HUYỆN LONG ĐIỀN)

Thực hiện hợp đồng lao động chưa đúng quy định

Cập nhật: 18:24, 01/08/2024 (GMT+7)

Bà Trương Thị Phúc, nhân viên cấp dưỡng Trường MN Hoa Sen (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) phản ánh đến cơ quan chức năng về việc bỗng dưng bị cắt hợp đồng lao động. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã tìm hiểu vụ việc.

Trường MN Hoa Sen (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) nơi bà Trương Thị Phúc từng làm việc.
Trường MN Hoa Sen (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) nơi bà Trương Thị Phúc từng làm việc.

Phản ánh tới Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, bà Trương Thị Phúc cho biết, 8 năm qua, bà là nhân viên nấu ăn tại Trường MN Hoa Sen. Tuy nhiên, từ tháng 7/2024, bà Phúc bị Trường MN Hoa Sen đột ngột chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ).

Trước đó, khi biết nhà trường chuẩn bị chấm dứt HĐLĐ với mình, ngày 26/6/2024, bà Phúc làm đơn khiếu nại gửi hiệu trưởng nhà trường. 2 ngày sau, ngày 28/6/2024, Trường MN Hoa Sen đã chuyển cho bà Phúc Quyết định số 47 về việc chấm dứt HĐLĐ từ ngày 1/7/2024 đối với bà Phúc. Bà Phúc tiếp tục làm đơn khiếu nại Quyết định 47 và được nhà trường trả lời bằng văn bản, việc chấm dứt HĐLĐ với bà Phúc là do hết thời hạn hợp đồng.

“Nhà trường cho tôi nghỉ việc khá đột ngột, không có lý do chính đáng, ảnh hưởng đến quyền lợi của tôi”, bà Phúc bức xúc nói.

Trao đổi với phóng viên liên quan vấn đề trên, Hiệu trưởng Trường MN Hoa Sen Trương Thị Loan cho biết, ngoài lý do hết thời hạn HĐLĐ, nhà trường còn căn cứ số lượng trẻ theo học hè để xác định nhu cầu sử dụng nhân sự. Sau khi xem xét tình hình, trường tổ chức họp và đi đến quyết định chấm dứt HĐLĐ với bà Phúc.

Cũng theo bà Loan, từ năm 2016 đến nay, việc ký HĐLĐ giữa Trường MN Hoa Sen với bà Phúc được thực hiện hàng năm (hợp đồng 12 tháng). Đến năm 2024, thời gian ký HĐLĐ từ 1 năm xuống 6 tháng. Cụ thể, theo HĐLĐ số 05, ngày 2/1/2024, giữa bà Phúc và Trường MN Hoa Sen có thời hạn từ 2/1, đến 30/6/2024 (6 tháng). Bà Loan giải thích, nhà trường căn cứ vào thời gian nghỉ hè của trẻ, thời điểm kết thúc năm học và căn cứ vào việc từ 1/7, nâng lương cho người lao động theo quy định của Nhà nước, để thuận lợi cho nhà trường và người lao động khi tính tiền lương.

Theo tìm hiểu của phóng viên, bà Phúc làm việc tại Trường MN Hoa Sen từ năm 2016. Tuy nhiên, việc ký HĐLĐ của trường này với người lao động khá khó hiểu.

Theo trình bày của bà Phúc, thời điểm năm 2016, Hiệu trưởng Trường MN Hoa Sen là bà Huỳnh Thị Mỹ Hạnh ((chuyển công tác) ký HĐLĐ với bà theo Nghị định 68 năm 2000, của Chính phủ. Thời hạn hợp đồng 24 tháng tính từ ngày 1/1/2016, với công việc là nhân viên cấp dưỡng. Đầu tháng 8/2016, dù hợp đồng còn hiệu lực nhưng Hiệu trưởng Trường MN Hoa Sen khi đó  lại ký tiếp HĐLĐ số 06, theo Nghị định 116 (dành cho tuyển dụng cán bộ, công chức) đối với bà Phúc. Tại hợp đồng không ghi thời hạn.

Đến năm 2020, bà Hạnh lại ký 3 HĐLĐ với bà Phúc, gồm: 2 HĐLĐ thời hạn 6 tháng (hợp đồng ký ngày 2/1 và 1/6/2020) và 1 HĐLĐ thời hạn 1 năm (từ 1/1-31/12/2020).

Các năm 2021, 2022, giữa bà Phúc và nhà trường không ký HĐLĐ. Tuy nhiên, bà vẫn làm việc tại trường với chức danh là nhân viên cấp dưỡng và hưởng lương bình thường.

Năm 2023, bà Trương Thị Loan lên thay bà Huỳnh Thị Mỹ Hạnh (nghỉ hưu theo chế độ). Ngày 1/3, bà Loan tiếp tục ký với bà Phúc bảng phụ lục HĐLĐ thời hạn đến ngày 31/12/2023 với mức lương 5,4 triệu đồng. Bảng phụ lục này ghi căn cứ vào Hợp đồng số 5 ký ngày 1/2/2023.

Ngày 12/1/2024, bà Loan lại ký HĐLĐ với bà Phúc, thời hạn đến ngày 30/6/2024, tức hợp đồng 6 tháng và từ ngày 1/7 thì chấm dứt HĐLĐ với bà Trương Thị Phúc.

Theo Luật sư Đỗ Thành Trung, Giám đốc Công ty Luật New Key (TP.Vũng Tàu), các trường hợp ký lại HĐLĐ giữa Trường MN Hoa Sen với bà Phúc nêu trên là không đúng quy định theo pháp luật. Cụ thể, theo Bộ luật Lao động năm 2019, quy định, trong mọi trường hợp người sử dụng lao động chỉ được ký tối đa 2 lần HĐLĐ xác định thời hạn dưới 36 tháng, lần thứ 3 trở đi bắt buộc phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn nếu người lao động làm việc liên tục tại đơn vị. Do đó, việc Trường MN Hoa Sen liên tục ký lại HĐLĐ xác định thời hạn với bà Phúc là trái quy định pháp luật.

Ngoài ra, khi HĐLĐ xác định thời hạn hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì căn cứ vào Khoản 2, Điều 20, Bộ luật Lao động năm 20219 cũng quy định: Trong thời hạn 30 ngày (kể từ ngày HĐLĐ hết hạn), người sử dụng lao động và người lao động phải ký kết HĐLĐ mới; trong thời gian chưa ký kết HĐLĐ mới thì quyền, nghĩa vụ, lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết.

Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết hạn mà người sử dụng lao động và người lao động không ký kết HĐLĐ mới thì hợp đồng đã giao kết trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn.

 Bài, ảnh: TRÚC GIANG

 
.
.
.