Không được cấp giấy CNQSDĐ do chồng lấn đất rừng

Thứ Năm, 20/06/2024, 19:01 [GMT+7]
In bài này
.

Để giải quyết vướng mắc trong việc người dân bị “treo” hàng chục năm không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) do chồng lấn đất rừng, UBND huyện Châu Đức đề xuất đưa hơn 38ha ra khỏi diện tích rừng phòng hộ Xuân Sơn.

UBND huyện Châu Đức đề xuất đưa hơn 38ha ra khỏi diện tích đất rừng phòng hộ để xử lý vướng mắc việc chồng lấn đất rừng. Ảnh: Một góc rừng phòng hộ Xuân Sơn.
UBND huyện Châu Đức đề xuất đưa hơn 38ha ra khỏi diện tích đất rừng phòng hộ để xử lý vướng mắc việc chồng lấn đất rừng. Ảnh: Một góc rừng phòng hộ Xuân Sơn.

Ranh giới chưa thống nhất

Nhiều năm qua, người dân tại 3 xã: Sơn Bình, Xuân Sơn và Suối Rao (huyện Châu Đức) phản ánh bị “vướng” không được cấp giấy CNQSDĐ các thửa đất họ đã sinh sống, canh tác giáp ranh rừng phòng hộ Xuân Sơn.

Đây cũng là vấn đề nóng và được cử tri các xã trên quan tâm, phản ánh, kiến nghị nhiều nhất trong các cuộc tiếp xúc cử tri (TXCT) của các tổ đại biểu HĐND tỉnh và huyện.

“Chúng tôi làm thủ tục cấp giấy CNQSDĐ thì bị treo vì lý do chồng lấn đất rừng. Vì vậy, người dân đề nghị các cấp chính quyền quan tâm giúp đỡ”, ông Bùi Văn Quyền (thôn 2, xã Xuân Sơn) kiến nghị tại buổi TXCT của Tổ đại biểu số 10 HĐND tỉnh ngày 14/6.

Theo UBND huyện Châu Đức, đất rừng trên địa bàn huyện được Chi cục Kiểm lâm tỉnh nhận bàn giao từ Lâm trường Châu Thành (cũ) khoảng 432ha. Đến năm 2002, UBND tỉnh có Quyết định 2670/QĐ.UB ngày 11/4/2002 (đường ranh 2670) về việc phê duyệt công trình đầu tư xác định ranh giới cắm mốc các loại rừng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, diện tích đất rừng trên địa bàn huyện Châu Đức 634ha. Tới ngày 5/8/2002, UBND tỉnh có Quyết định số 6262/QĐ.UB về việc giao rừng và đất lâm nghiệp cho huyện Châu Đức quản lý với diện tích 518ha.

Ngày 9/9/2002, UBND tỉnh có quyết định chuyển giao diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp từ Chi cục Kiểm lâm sang Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh quản lý. Trong đó, diện tích đất rừng phòng hộ Xuân Sơn là 432ha, gồm: xã Sơn Bình 95ha; xã Suối Rao 256ha; xã Xuân Sơn 81ha.

Qua kiểm tra hiện trạng, nguồn gốc và quá trình sử dụng cho thấy, toàn bộ phần diện tích 37,7 ha/130 thửa đang có sự chồng lấn so với đường ranh 2670, do các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng. Trong đó, có 49 thửa đang sử dụng vào mục đích làm nhà ở và kết hợp sản xuất nông nghiệp; 81 thửa đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, qua rà soát quá trình sử dụng nhiều trường hợp đến nay đã chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất qua nhiều chủ sử dụng khác.

Theo báo cáo số 293/BC-SNN ngày 28/7/2017 của Sở NN-PTNT thống kê phần diện tích bị chồng lấn, sai lệch ranh giới giữa đất của các hộ gia đình, cá nhân với đất do Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý hơn 68,5ha/241thửa.

Theo UBND huyện Châu Đức, công tác quản lý Nhà nước về đất rừng tại các xã Sơn Bình, Suối Rao và Xuân Sơn rất khó khăn và phức tạp. Ranh giới đất rừng chưa được thống nhất, phân định và cắm mốc cụ thể ngoài thực địa, dẫn đến khó khăn trong quá trình quản lý và xem xét cấp giấy CNQSDĐ cho tổ chức và hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, khó khăn trong việc xử lý các trường hợp lấn, chiếm đất rừng và xây dựng trái phép tại khu vực giáp ranh.

Đường ranh giới đất rừng được phê duyệt theo Quyết định 2670 xác định theo cơ học, nên sau khi số hóa và lồng ghép lên bản đồ địa chính hiện nay không đảm bảo độ chính xác và có sự sai số lớn dẫn đến một số khu vực hiện trạng có cây rừng nhưng lại nằm ngoài ranh giới đất rừng.

Ngược lại có những khu vực người dân đã sử dụng làm nhà ở và sản xuất ổn định nhưng lại nằm trong phạm vi ranh giới đất rừng. Mặt khác, qua lồng ghép, đối chiếu thì một số trường hợp có sự sai lệch về ranh giới nhưng chủ yếu là do quá trình đo đạc, lập bản đồ giữa các thời kỳ có sai số dẫn đến việc chồng lấn về đường ranh.

Đối với đường ranh đề xuất tại tờ trình số 218/TTr-STNMT-SNN ngày 19/5/2023 của liên ngành Sở TN-MT và Sở NN-PTNT để xác lập đường ranh giới quy hoạch 3 loại rừng, qua đối chiếu và lồng ghép với đường ranh theo Quyết định 2670 thì nhiều khu vực có sự khác biệt và sai lệch lớn.

Theo báo cáo của UBND các xã Sơn Bình, Suối Rao và Xuân Sơn về kết quả kiểm tra hiện trạng, xác minh nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân liên quan đến phần diện tích bị chồng lấn so với đường ranh theo Quyết định 2670 và đường ranh theo Tờ trình số 218 cho thấy, hầu hết đều có nguồn gốc là do các hộ dân khai phá. Nhiều trường hợp có nhà ở ổn định và được cấp Giấy CNQSDĐ trước thời điểm UBND tỉnh phê duyệt đường ranh theo Quyết định 2670.

Đề xuất đưa hơn 38ha ra khỏi diện tích rừng phòng hộ

Giải quyết tồn tại, vướng mắc nêu trên, UBND huyện Châu Đức kiến nghị các sở, ngành và đơn vị liên quan xem xét đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý đối với phần diện tích còn chồng lấn giữa đất của các hộ dân với đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ theo đường ranh 2670.

Cụ thể, đưa ra khỏi rừng phòng hộ diện tích hơn 38,6ha với lý do hiện trạng là người dân đang trực tiếp canh tác, sử dụng, có nguồn gốc khai phá từ những năm 1979, 1983, 1984; nhiều trường hợp đã cấp giấy CNQSDĐ và chuyển nhượng qua nhiều chủ sử dụng. Đồng thời, không nằm trong ranh giới quy hoạch đất lâm nghiệp đến năm 2030 theo đề xuất tại Tờ trình số 218/TTr-STNMT-SNN ngày 19/5/2023 của Liên ngành Sở TN-MT và Sở NN - PTNT.

Đối với diện tích hơn 38ha đề xuất đưa ra khỏi đất rừng phòng hộ, Ban quản lý Rừng phòng hộ sẽ thống kê, báo cáo Sở NN-PTNT.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

 
;
.