Những ngày qua, gần 500 người dân sinh sống tại khu nhà tập thể số 284 Nguyễn An Ninh (phường 7, TP.Vũng Tàu) đang thấp thỏm lo lắng vì nhận thông báo thu hồi căn hộ từ chủ đầu tư.
Cư dân khu nhà tập thể số 284, đường Nguyễn An Ninh (phường 7, TP.Vũng Tàu) tổ chức họp dân. |
Lo mất chỗ an cư
Phản ánh với Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, người dân tại khu tập thể cho biết, trong 2 ngày 18/3 và 3/5 vừa qua, đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà là Công ty TNHH Khách sạn Dầu khí đã gửi thông báo về việc thu hồi căn hộ của các hộ dân. Đồng thời, yêu cầu 120 hộ dân với gần 500 người phải di dời toàn bộ tài sản, người ra khỏi khu nhà và bàn giao lại cho đơn vị quản lý, vận hành trước 30/6/2024. Thông báo cũng nêu rõ, các dịch vụ như: điện chiếu sáng công cộng, nước, bảo vệ, vệ sinh... cũng sẽ ngừng cung cấp kể từ ngày 1/7/2024.
Trước thông báo trên, cư dân rất lo lắng vì phần lớn họ là lao động nghèo, khó khăn về nhà ở. Ông Đỗ Văn Lượng (căn hộ 411B) cho biết, năm 2015, ông nhận sang nhượng lại căn hộ diện tích 32m2 từ người khác với giá 290 triệu đồng. Hàng tháng, mỗi căn hộ phải trả chi phí vận hành 600 ngàn đồng.
“Thông báo thu hồi rất đột ngột khiến chúng tôi không biết phải ở đâu. Nếu thu hồi khu nhà này để trả lại cho Nhà nước hay vì mục đích thương mại thì chúng tôi mong muốn được hỗ trợ về nhà ở, tái định cư tại chỗ, mua nhà trả góp hoặc nhà ở xã hội”, ông Lượng nói.
Còn bà Trịnh Thị Thu Huyền (căn hộ 205C) cho biết, bà nhận sang nhượng căn hộ và sinh sống ở đây từ năm 2008. Trong số 120 hộ dân ở đây chỉ có 34 hộ là thuộc diện người lao động, công nhân viên của PTSC. Số còn lại là được sang nhượng căn hộ (giá từ 200 đến hơn 300 triệu đồng/căn) bằng giấy viết tay.
Trao đổi thêm với phóng viên ngày 15/5, đại diện Tổng Công ty PTSC cho biết sẽ xem xét, cân nhắc phương án hỗ trợ người dân trong công tác an sinh, di dời phù hợp với quy định.
|
“Việc để xảy ra tình trạng sang nhượng bằng giấy tay thì trách nhiệm quản lý thuộc về ai? Vì vậy chúng tôi tha thiết được gặp gỡ đại diện chủ đầu tư, các đơn vị có liên quan để cùng giải quyết vấn đề thấu tình, đạt lý giúp người dân an cư lạc nghiệp. Còn nếu chưa có kế hoạch lấy lại tòa nhà để làm dự án thì chúng tôi mong muốn chính quyền, các ban, ngành liên quan và PTSC cho tiếp tục tồn tại khu nhà ở này”, bà Huyền đề nghị.
Khu nhà tập thể số 284, đường Nguyễn An Ninh (phường 7, TP.Vũng Tàu). |
Trả lại đất để chỉnh trang đô thị
Trong thông cáo trả lời báo chí ngày 15/5/2024, Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, chủ đầu tư) cho biết, năm 1990, nhằm tạo điều kiện cho người lao động và bố trí chỗ ở cho cán bộ, công nhân viên sử dụng theo hình thức nhà tập thể phục vụ đổi ca giữa các đợt công tác, đi biển, PTSC đã mua lại khu nhà ở 284 Nguyễn An Ninh từ Công ty Xây dựng Dầu khí (trực thuộc Bộ Xây dựng) với diện tích khu đất 6.094,4m2. Khu nhà có 5 tầng, với 120 phòng.
Khi sáp nhập PSC và GPTS thành PTSC vào năm 1993, cho đến khi cổ phần hóa năm 2006, PTSC đã bố trí, sắp xếp các phòng trong khu nhà đổi ca cho nhiều lượt người lao động của PTSC và người lao động thuộc các đơn vị trong tổng công ty lưu trú, sử dụng dưới các hình thức hợp đồng thuê, quyết định giao hoặc tạm giao có thời hạn. Theo đó, người lao động được bố trí chỗ ở có trách nhiệm hoàn trả khi hết thời hạn hoặc khi được tổng công ty yêu cầu.
Luật sư Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Cảnh cho biết: Việc một số người dân nhận sang nhượng căn hộ từ người khác bằng giấy viết tay là không hợp pháp, vô hiệu về mặt hình thức do không thực hiện đúng quy định và chứa đựng rất nhiều rủi ro. Bởi, tại khoản 1 Điều 93 Luật nhà ở 2014 quy định: Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng. |
“Xuất phát từ mục đích giao sử dụng căn hộ có điều kiện và thời hạn như trên, người lao động được giao căn hộ không có quyền định đoạt (cho thuê lại, tặng cho, chuyển nhượng) hoặc cơi nới, sửa chữa mà không có sự đồng ý của Tổng công ty PTSC với tư cách là chủ sở hữu khu nhà đổi ca”, thông cáo báo chí nêu rõ.
Hiện nay, các hộ dân tại đây đã có đơn gửi chính quyền, các sở, ngành của tỉnh, TP.Vũng Tàu và PTSC đề nghị cho tiếp tục tồn tại khu nhà ở này. Vì theo các hộ dân, chất lượng tòa nhà vẫn còn sử dụng được. Nếu phải trả nhà người dân sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, PTSC thì cho rằng, khu nhà xây dựng đã nhiều năm, một số hạng mục đã xuống cấp, các hộ dân tự động cơi nới, lắp đặt “chuồng cọp”… nên không đảm bảo về độ an toàn và công tác PCCC. Ngoài ra, hiện PTSC đã chuyển sang công ty cổ phần nên việc bố trí chỗ ở cho người lao động không còn phù hợp, không phải trách nhiệm của công ty.
Vì vậy, Công ty TNHH Khách sạn Dầu khí PTSC sau khi nhận lại 120 căn hộ này, thì PTSC sẽ trả lại khu đất cho tỉnh sử dụng vào mục đích chỉnh trang đô thị theo quy hoạch.
Bài, ảnh: BẢO KHÁNH