Phản ánh tới Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, một số người dân cho biết, họ đi đăng kiểm xe ô tô mới biết bị phạt nguội vi phạm giao thông. Thế nhưng, điều đáng nói là, trước đó họ không nhận được thông báo vi phạm, ngoài ra có nhiều vi phạm đã hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính (VPHC).
Người vi phạm tới giải quyết phạt nguội qua camera tại Phòng CSGT (Công an tỉnh). |
Từ chối đăng kiểm do chưa nộp phạt
Ông H.V.Đ. (phường Phước Hiệp, TP.Bà Rịa) cho biết, cuối tháng 4 vừa qua, ông đưa xe ra Trung tâm đăng kiểm để thực hiện đăng kiểm theo quy định. Lúc này, ông mới tá hỏa khi được trung tâm thông báo xe vi phạm giao thông và bị phạt nguội tại Ninh Thuận từ tháng 1/2023, nên không được đăng kiểm.
Theo hướng dẫn của trung tâm, ông liên hệ cơ quan CSGT tỉnh và được hướng dẫn liên hệ Phòng CSGT tỉnh Ninh Thuận. Khi liên hệ với cơ quan này, ông phải tới tận nơi để được giải quyết vụ việc. Ông cho biết, trước đó ông không được gửi bất cứ thông báo vi phạm nào, mặc dù có địa chỉ cư trú rõ ràng, xe đăng ký chính chủ. “Tôi không hề biết xe mình bị phạt nguội. Ngoài ra, hành vi vi phạm của tôi đã hết thời hiệu xử phạt VPHC. Vậy tôi có bị nộp phạt để gỡ cảnh báo?", ông Đ. băn khoăn.
Đầu tháng 5 vừa rồi, ông T.Th.H. (phường 11, TP.Vũng Tàu) khi đăng kiểm xe ở Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải Bà Rịa-Vũng Tàu thì mới biết, xe mình bị phạt nguội qua camera từ năm 2023. “Cơ quan chức năng nên xem xét cùng với việc gửi thông báo bằng thư bảo đảm trực tiếp tới chủ phương tiện, có thể gửi thêm thông báo qua tin nhắn điện thoại, email, vì chủ phương tiện nào cũng có số điện thoại, việc tra cứu không khó”, ông H. bày tỏ.
Ông Hoàng Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, mỗi ngày tại trung tâm có khoảng 10 phương tiện bị từ chối đăng kiểm do chưa thực hiện quyết định xử phạt VPHC của cơ quan chức năng. Trong đó, phần nhiều chủ phương tiện đã nộp phạt nhưng chưa được gỡ thông báo từ chối đăng kiểm, một số không biết bị vi phạm phạt nguội do không nhận được thông báo.
Theo ông Sỹ, khi xe có vi phạm và được cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định thì trung tâm đăng kiểm sẽ thông báo để chủ phương tiện thực hiện quyết định xử phạt trước khi kiểm định. “Trước đây, những trường hợp như thế này sẽ được chờ 15 ngày để giải quyết vi phạm. Tuy nhiên, theo Nghị định 30/2023 của Chính phủ, cơ quan đăng kiểm không thực hiện đăng kiểm đối với trường hợp bị cảnh báo trên Chương trình quản lý kiểm định. Sau khi chủ phương tiện giải quyết xong các vi phạm thì mới được kiểm định”, ông Sỹ thông tin thêm.
Thống kê của Phòng CSGT (Công an tỉnh), từ cuối năm 2021 đến tháng 4/2024, qua hệ thống giám sát camera, cơ quan này đã gửi thông báo cho hơn 18.000 trường hợp vi phạm, trong đó hơn 8.500 trường hợp chủ phương tiện chưa đến xử lý. Bưu điện hoàn thư hơn 3.600 trường hợp do không phát được thông báo cho chủ phương tiện. Phòng CSGT gửi gần 5.000 thông báo đến Cục Đăng kiểm để đề nghị cảnh báo hơn 15.000 phương tiện. |
Hết thời hiệu vẫn có thể bị xử lý?
Thượng tá Đỗ Xuân Hoàn, Trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết, theo quy định, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày phát hiện vi phạm, cơ quan CSGT tiến hành gửi thông báo vi phạm kèm theo hình ảnh phương tiện vi phạm đến chủ phương tiện, yêu cầu đến giải quyết vụ việc theo quy định.
Đồng thời, cập nhật thông tin phương tiện vi phạm (loại phương tiện, biển số, màu biển số, thời gian, địa điểm vi phạm..) vào phần mềm trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT để chủ phương tiện, người vi phạm biết, đến giải quyết theo đúng quy định.
Trường hợp quá thời hạn 20 ngày, kể từ ngày gửi thông báo vi phạm mà chủ xe chưa đến giải quyết vụ việc vi phạm, Phòng CSGT sẽ gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để cảnh báo.
Theo Thượng tá Đỗ Xuân Hoàn, có nhiều nguyên nhân khiến người bị phạt nguội vi phạm giao thông chậm hoặc không nhận được thông báo từ cơ quan CSGT như: mua bán xe không sang tên đổi chủ, chuyển chỗ ở… Cũng có trường hợp biết bưu điện gửi thông báo phạt nguội đã tìm cách từ chối không nhận.
Các trường hợp bị chặn đăng kiểm, để được đăng kiểm theo quy định, chủ phương tiện phải đến trụ sở công an nơi xảy ra vi phạm để giải quyết. Sau khi hoàn tất việc nộp phạt, cơ quan Công an sẽ gửi thông báo kết thúc cảnh báo phương tiện vi phạm cho cơ quan đăng kiểm, gỡ bỏ trạng thái cảnh báo trên hệ thống quản lý, xử lý VPHC.
Về thời hiệu xử lý VPHC, Thượng tá Đỗ Xuân Hoàn cho biết, tại Khoản 1, Điều 74, Luật Xử phạt VPHC quy định, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt VPHC là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định. Quá thời hạn này, cơ quan thẩm quyền không thi hành quyết định đó nữa.
Như vậy, sau 1 năm kể từ ngày cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt VPHC, nếu người vi phạm vì lý do khách quan không nhận được thông báo xử phạt thì sẽ không bị xử phạt nữa do hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt. Lúc này, người vi phạm sẽ liên hệ với cơ quan CSGT nơi xảy ra vi phạm để gỡ cảnh báo đăng kiểm.
Tuy nhiên, tại Khoản 2, Điều 74 của Luật Xử phạt VPHC cũng quy định, trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu xử phạt được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn. Điều này đồng nghĩa với việc, dù đã hết thời hiệu nhưng khi chủ phương tiện đưa xe đi đăng kiểm, thì cơ quan đăng kiểm sẽ báo với cơ quan CSGT để tiến hành việc xử phạt VPHC với người vi phạm.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG