.

Di dời vào cụm công nghiệp Lộc An Đồng thuận nhưng còn lo lắng

Cập nhật: 19:50, 18/12/2023 (GMT+7)

Các hộ kinh doanh cá khô tại TT.Phước Hải và Lộc An đang thực hiện di dời vào cụm công nghiệp chế biến hải sản Lộc An. Trong quá trình di dời, các hộ gặp một số khó khăn, nhất là chi phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải quá lớn.

Các hộ kinh doanh cá khô tại TT.Phước Hải và Lộc An lo lắng phát sinh nhiều chi phí khi di dời vào Cụm công nghiệp chế biến hải sản Lộc An.
Các hộ kinh doanh cá khô tại TT.Phước Hải và Lộc An lo lắng phát sinh nhiều chi phí khi di dời vào Cụm công nghiệp chế biến hải sản Lộc An.

Phát sinh nhiều chi phí

Phản ánh tới Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều hộ kinh doanh cá khô tại TT.Phước Hải và Lộc An cho biết, các hộ đang thực hiện chủ trương di dời về Cụm công nghiệp (CCN) chế biến hải sản Lộc An (CCN Lộc An). Tuy nhiên, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nguồn vốn còn hạn chế. Di dời vào CCN họ sẽ phát sinh nhiều chi phí lớn như: thuê đất, đầu tư hạ tầng, xử lý nước thải... Trong đó, khó khăn lớn nhất là chi phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Bà Trần Thủy Oanh, Giám đốc HTX Hải sản Phước Hải (HTX Phước Hải) cho biết, các hộ kinh doanh sản xuất cá khô đồng thuận với chủ trương di dời vào CCN. Tuy nhiên, ai nấy đều rất lo lắng bởi khi di dời vướng nhiều thủ tục và chi phí. “Tôi được biết hệ thống xử lý nước thải cục bộ của các hộ kinh doanh cá khô phải đầu tư hàng tỷ đồng. Trong khi điều kiện của các hộ dân còn khó khăn. Do đó, HTX Phước Hải mong muốn các cấp chính quyền hỗ trợ người dân về giá nước, điện, giá thuê đất và hệ thống xử lý nước thải… khi di dời vào CCN”, bà Trần Thủy Oanh nói.

Theo UBND huyện Đất Đỏ, trên địa bàn có 59 cơ sở sản xuất, chế biến hải sản trong khu dân cư có quyết định di dời về CCN Lộc An. Hiện nay, địa phương đã hoàn tất việc thành lập HTX Phước Hải với 35 thành viên tham gia. Tính đến nay, 47 hộ đồng ý di dời về CCN Lộc An, 8 hộ không di dời và chấm dứt hoạt động. Khu đất bàn giao cho 55 cơ sở đã được bố trí tại CCN Lộc An. HTX Phước Hải đang hoàn tất công tác lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư dự án, gửi các ngành của huyện góp ý. Sau đó sẽ trình Sở Công thương thẩm định, đề xuất UBND tỉnh xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Mong hỗ trợ chi phí đầu tư xử lý nước thải

Theo UBND huyện Đất Đỏ, khảo sát thực tế các hộ chế biến cá khô tại khu vực Mộ Ông (TT.Phước Hải) và các hộ chế biến cá khô trong khu dân cư, lượng nước thải trung bình khoảng 250m3/ngày đêm. Để HTX Phước Hải di dời về CCN Lộc An, phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải cục bộ của HTX, đạt quy chuẩn cột B với công suất khoảng 250/m3/ngày đêm. Kinh phí đầu tư khoảng 3,7 tỷ đồng. Nước thải sau khi xử lý mới được đấu nối và đưa về trạm xử lý nước thải tập trung của CCN để xử lý đạt quy chuẩn cột A mới thoát ra sông Bà Đáp.

Việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải cục bộ trước khi xả thải về trạm xử lý nước thải tập trung của CCN Lộc An, với chi phí đầu tư lớn. Trong khi đó, các thành viên HTX chủ yếu sản xuất dưới hình thức hộ gia đình nên không đủ nguồn lực, kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Ngoài ra, tỉnh chưa ban hành giá đất thuê đối với các dự án đầu tư tại CCN Lộc An. Do đó, chưa có cơ sở làm việc và thống nhất với các hộ chế biến cá khô.

“Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, cơ sở sản xuất, chế biến hải sản di dời về CCN Lộc An để tiếp tục phát triển, duy trì ngành nghề truyền thống chế biến cá khô và giải quyết vấn đề môi trường, HTX Phước Hải kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải cục bộ. Đồng thời, UBND tỉnh, Sở Công thương sớm ban hành giá thuê đất đối với các dự án đầu tư tại CCN”, UBND huyện Đất Đỏ thông tin.

Theo UBND tỉnh, hiện nay hệ thống xử lý nước thải tập trung của CCN Lộc An đã đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải (tương ứng) cột A trước khi thải ra nguồn tiếp nhận nước thải theo quy định phân vùng tiếp nhận nước thải trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở sản xuất trong CCN phải xử lý nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải (tương ứng) cột B trước khi đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của CCN Lộc An.

Căn cứ chính sách hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025, UBND tỉnh chưa có cơ sở để xem xét, hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống thoát nước cho các hộ dân khi di dời vào CCN Lộc An. Do đó, UBND tỉnh đề nghị huyện Đất Đỏ rà soát quy trình chế biến, công suất sản phẩm, tính toán cách làm cho phù hợp. Trên cơ sở đó, báo cáo Sở Công thương để phối hợp với Sở NN-PTNT đề xuất UBND tỉnh xem xét.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

.
.
.