Sử dụng đất sai mục đích, coi chừng bị phạt
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều trường hợp người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định, mà chưa ý thức được hậu quả của hành vi này. Nhiều người nghĩ rằng, đất trồng lúa thì cũng có thể trồng mít, sầu riêng...
Người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ bị xử phạt nghiêm. |
Một số người cho rằng, đất đã được cấp giấy CNQSD thì việc sử dụng như thế nào là quyền của họ, từ đó dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi phổ biến nhất là thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất nông nghiệp được giao hoặc chuyển từ đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm sang trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản...
Thậm chí, nhiều trường hợp chưa làm thủ tục chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang thổ cư (đất ở) nhưng vẫn xây dựng nhà ở, công trình trái phép, san lấp, phân lô đất nông nghiệp để chuyển nhượng...
Đơn cử như trường hợp của ông Tr.T.N. ở xã Long Tân, huyện Đất Đỏ. Ông Tr.T.N. có mấy sào đất trồng cây hàng năm. Do hiệu quả kinh tế mang lại từ cây hàng năm không cao, ông N. tự ý chuyển sang trồng mít, sầu riêng. Việc chuyển đổi mục đích này của ông N. bị chính quyền địa phương phát hiện, ngăn chặn. Ông N. cho rằng gia đình ông chuyển đổi cây trồng không phải là chuyển đổi mục đích sử dụng đất là phù hợp với nhu cầu thực tế của gia đình và không vi phạm pháp luật.
Tương tự, bà N.N.H. (xã Long Phước, TP.Bà Rịa) có 5 sào đất trồng lúa. Do trồng lúa cho hiệu quả thấp nên bà H. thuê người đổ đất san lấp làm kho bãi chứa vật liệu xây dựng. Quá trình thực hiện, bà H. bị chính quyền xã lập biên bản và xử phạt hành chính. Bà H. thắc mắc, việc chính quyền xử lý như vậy có đúng pháp luật?
Liên quan đến các trường hợp nói trên, luật sư Thịnh Đình Quang, Hội Luật gia tỉnh cho biết, theo quy định tại khoản 1, Điều 170 của Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất như: từ đất trồng lúa sang cây lâu năm hoặc đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (đất ở, xây dựng công trình) thì phải xin phép cơ quan có thẩm quyền.
Để tránh rủi ro, người sử dụng đất cần nắm rõ thửa đất mà mình có quyền sử dụng được Nhà nước cho phép sử dụng cho mục đích gì. Điều này thể hiện rõ trong phần thông tin về mục đích sử dụng đất ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu muốn sử dụng đất vào mục đích khác, người dân phải đến UBND xã, phường, thị trấn liên hệ công chức địa chính để được hướng dẫn, hoặc nhờ người có hiểu biết pháp luật tư vấn, tránh việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định.
(Luật sư Thịnh Đình Quang, Hội Luật gia tỉnh)
|
Với các trường hợp trên, chủ sử dụng đã tự ý chuyển đất có mục đích rồng cây hàng năm thành đất trồng cây lâu năm và xây dựng công trình trên đất mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là hành vi vi phạm pháp luật, quy định tại Điều 57 Luật Đất đai năm 2013. Lĩnh vực này thuộc quyền quản lý nhà nước của UBND cấp xã nên chính quyền địa phương nhắc nhở, khuyến cáo, ngăn chặn là đúng quy định.
Theo luật sư Thịnh Đình Quang, người sử dụng đất tự ý chuyển đổi mục đích từ đất trồng lúa, trồng cây hàng năm sang mục đích khác mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Mức xử phạt phụ thuộc vào loại đất bị chuyển mục đích chuyển đổi và diện tích đất chuyển mục đích trái phép. Đặc biệt, trường hợp sử dụng đất trồng lúa hoặc đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, có thể bị phạt tiền lên đến 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức.
Người sử dụng đất còn bị buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Người sử dụng đất không đúng mục đích và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm thì Nhà nước sẽ thu hồi đất (không bồi thường về đất).
Bài, ảnh: THANH HẢI