.

Vụ tranh chấp đất 10 năm chưa giải quyết xong: VKS kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm

Cập nhật: 18:34, 22/09/2023 (GMT+7)

Nhận định bản án TAND cùng cấp tuyên chưa phù hợp với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và quy định pháp luật, nên VKSND TP. Vũng Tàu có văn bản kháng nghị đề nghị TAND tỉnh hủy bản án sơ thẩm.

Phần đất tranh chấp của gia đình ông Phao nằm trong diện tích đất của Công ty Hoằng Long.
Phần đất tranh chấp của gia đình ông Phao nằm trong diện tích đất của Công ty Hoằng Long.

Bản án gây tranh cãi

Như Báo Bà Rịa-Vũng Tàu phản ánh, năm 2008, Công ty TNHH Khách sạn Hoằng Long (gọi tắt là Công ty Hoằng Long) mua 2.000m2 đất tại TP. Vũng Tàu của Công ty CP Phát triển nhà tỉnh (Hodeco). Diện tích đất được Sở TN-MT tỉnh cấp Giấy CNQSDĐ cho Hodeco (Hodeco mua qua đấu giá tài sản trong vụ án EPCO - Minh Phụng từ năm 2004) và sau đó Công ty Hoằng Long mua lại và đã sang tên.

Theo ông Trần Tuấn Nhựt, Giám đốc Công ty Hoằng Long, thời điểm công ty nhận chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất “sạch”. Đến năm 2011,  công ty phát hiện có 31 hộ dân lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép trên diện tích đất trên. Chính quyền địa phương nhiều lần làm việc, yêu cầu các hộ dân tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại đất lấn chiếm cho DN.

Năm 2020,  UBND các cấp của TP.Vũng Tàu cương quyết xử lý việc lấn chiếm trái phép, yêu cầu các hộ tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm, giao trả lại cho Công ty Hoằng Long. Có 30 hộ dân đã tự tháo dỡ, chỉ còn hộ ông Nguyễn Ngọc Phao (ngụ TP. Vũng Tàu) không chấp hành.

Thậm chí, năm 2022, gia đình ông Phao làm đơn khởi kiện Công ty Hoằng Long ra TAND TP. Vũng Tàu yêu cầu công nhận giấy chuyển nhượng viết tay giữa ông Phao với ông Nguyễn Thành Vinh từ năm 1993 là hợp pháp. Đề nghị được quyền sử dụng hợp pháp diện tích đất hơn 400m2, trong đó có 200m2 mua của ông Vinh, phần diện tích còn lại hơn 200m2 là lối đi. Đồng thời, ông Phao kiến nghị điều chỉnh giảm diện tích đất trong Giấy CNQSDĐ của Công ty Hoằng Long do cấp chồng lấn. Công ty Hoằng Long có đơn phản tố đề nghị tòa án giải quyết buộc gia đình ông Phao phải tháo dỡ vật kiến trúc, di dời và trả lại diện tích đất lấn chiếm.

Bản án sơ thẩm số 89/2023/DSST ngày 31/7/2023 của TAND TP. Vũng Tàu tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Phao. Công nhận hợp đồng chuyển nhượng (giấy mua bán đất bằng giấy tay) ngày 7/10/1993 giữa gia đình ông Phao với  ông  Vinh. Công nhận diện tích lấn chiếm hơn 400m2 nhà đất thuộc quyền sử dụng của Phao. Công ty Hoằng Long có nghĩa vụ giao Giấy CNQSDĐ liên quan đến diện tích đất trên cho cơ quan có thẩm quyền chỉnh lý giảm diện tích 405,2m2 nhà đất và 139m2 diện tích lối đi đã được công nhận cho gia đình ông Phao. Trong trường hợp cần thiết sẽ thu hồi lại giấy CNQSDĐ trên để bảo đảm thi hành án.

Theo ông Trần Tuấn Nhựt, diện tích tranh chấp được Sở TN-MT cấp Giấy CNQSDĐ cho Hedeco và sau đó chuyển nhượng cho Công ty Hoằng Long. Giấy CNQSDĐ có đầy đủ giá trị pháp lý, nhưng quá trình giải quyết vụ án, TAND TP. Vũng Tàu đã không đưa cơ quan ban hành giấy CNQSDĐ tham gia tố tụng. Nhiều chứng cứ quan trọng của vụ án bị loại bỏ như: giấy đóng thuế đất của ông Vinh (thể hiện vị trí đất, loại đất); văn bản của cơ quan chức năng ban hành, chứng minh ông Phao lấn chiếm đất và thuộc đối tượng bị cưỡng chế. “Thậm chí, bản án còn đưa ra những nhận định trái ngược nội dung văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phủ nhận tính hợp pháp của Công ty Hoằng Long khi đã nhận chuyển nhượng từ Hodeco. Loại bỏ kết quả đấu giá của Hedeco”, ông Nhựt bức xúc.

Kháng nghị toàn bộ bản án

Ngày 15/8, VKSND TP. Vũng Tàu có văn bản kháng nghị toàn bộ bản án số 89 vì xét thấy nhận định và quyết định đã tuyên chưa phù hợp với các quy định pháp luật và chứng cứ trong hồ sơ vụ án.

VKSND TP.Vũng Tàu nhận định, về tố tụng, TAND TP. Vũng Tàu chưa xác định đầy đủ quan hệ tranh chấp. Vượt thẩm quyền theo quy định của tòa án để đưa ra quyết định không phù hợp (buộc bị đơn có nghĩa vụ giao Giấy CNQSDĐ để điều chỉnh giảm diện tích). Thiếu sót trong việc đưa đơn vị có liên quan tham gia tố tụng theo quy định.

Về nội dung bản án, VKSND TP. Vũng Tàu cho rằng một số nhận định của TAND TP. Vũng Tàu là chưa có cơ sở, khi lời khai của nguyên đơn và người có liên quan bất nhất, không phù hợp. TAND TP. Vũng Tàu viện dẫn không đúng quy định pháp luật để nhận định có lợi cho phía nguyên đơn.

Ngoài ra, việc chuyển nhượng đất cho nguyên đơn theo giấy tay cũng cần phải xem xét, khi một hợp đồng chuyển nhượng trước đó đã được hủy bỏ bởi bản án phúc thẩm của tòa án cấp phúc thẩm tại TP. Hồ Chí Minh. Nhận định có sai phạm trong việc cấp Giấy CNQSDĐ của Hodeco và sau đó chuyển nhượng cho Công ty Hoằng Long nhưng không có chứng cứ, tài liệu nào chứng minh. Việc tuyên buộc công nhận lối đi trên đất của bị đơn và bồi thường là hoàn toàn không có cơ sở... Ngoài ra, nhiều nội dung khác trong bản án không có cơ sở và gây thiệt hại cho DN.

Không chấp phán quyết của TAND TP. Vũng Tàu, Hodeco có đơn kháng cáo và VKSND TP. Vũng Tàu có quyết định kháng nghị gửi tới TAND cấp tỉnh kiến nghị phúc thẩm theo hướng huỷ bản án sơ thẩm.

Bài, ảnh: THANH HẢI

.
.
.