Sau khi Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đăng bài: “Tiền mất, nợ mang vì mua phải đất rừng” trên số báo ra ngày 6/9, bà Nguyễn Thị Mực (SN 1981, ngụ xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) có phản hồi về nội dung sự việc này. Bà cho biết, 2 thửa đất bà mua có giấy tờ hợp pháp, do nhà nước cấp và không biết có liên quan đến đất rừng. Bà bán cho khách hàng là đất nông nghiệp theo hình thức mua đồng sở hữu. Tuy nhiên, những gì phóng viên tìm hiểu được lại trái ngược thông tin của bà Mực .
Dù cỏ mọc um tùm nhưng phóng viên vẫn dễ dàng nhận thấy các cọc bê tông tại lô đất của bà Mực bán cho nhiều hộ dân theo dạng phân lô |
Quá tin tưởng “cò” đất
Dù là đất nông nghiệp, chưa có thổ cư và chưa được tách sổ, nhưng hàng chục người vẫn mua đất của bà Mực theo hình thức đất nền. Những người mua đất cho biết, họ quá tin vào “cò” đất và những cam kết của bà Mực nên mới lâm vào tình thế này.
Bà N.T.V. (TP.Vũng Tàu) cho biết, năm 2020 bà lên mạng xã hội facebook và “cò” Huyền đăng thông tin rao bán các lô đất nền của bà Mực. Thấy đất rẻ, bà V. liên hệ và được Huyền dẫn đến khu đất đang trồng xoài, tràm ở huyện Long Điền. Trên đất có đóng cọc bê tông, phân lô. “Cò” Huyền cho bà V biết chỉ còn 2 lô đất cuối cùng, diện tích mỗi lô 150m2, giá bán từ 165-170 triệu đồng/lô. Dù là đất nông nghiệp và chưa tách sổ nhưng Huyền vẫn cam kết với bà V. chỉ cần đưa thêm 10-20 triệu đồng là bao xây nhà.
“Vì tin tưởng “cò” và được chủ đất cam kết nên vợ chồng tôi đã xuống tiền mua 2 lô đất trên, nào ngờ vướng phải đất rừng không ra sổ được. Vụ việc đã được TAND huyện Long Điền giải quyết, tuyên hủy hợp đồng (HĐ) mua bán đất nhưng chúng tôi vẫn chưa lấy lại được tiền”, bà V. bức xúc.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, năm 2020 có hơn 30 người thông qua “cò” đã mua đất của bà Mực tại khu vực xã Tam Phước (huyện Long Điền). Mỗi lô đất có diện tích từ 100m2-150m2 với giá từ 110-180 triệu đồng/lô. Theo cam kết trong HĐ đặt cọc, sau 45 ngày hai bên sẽ ra phòng công chứng ký HĐ chuyển nhượng QSDĐ, hoàn tất việc mua bán. Bên bán có nghĩa vụ đăng ký QSDĐ tại các cơ quan có thẩm quyền. Hơn 2 tháng sau, bà Mực thực hiện ký kết hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ với các hộ dân. Tuy nhiên, không phải thực hiện theo sổ riêng từng hộ như HĐ đặt cọc mà chuyển nhượng theo hình thức đồng sở hữu 2 lô đất tại xã Tam Phước.
Cụ thể, ngày 5/8/2020, bà Mực ký HĐ chuyển nhượng QSDĐ với 18 khách hàng, chuyển nhượng 3.335m2. Tiếp đó, ngày 6/8, bà Mực ký HĐ chuyển nhượng QSDĐ diện tích 2.850m2 cho 15 khách hàng khác theo hình thức đồng sở hữu. Cả 2 diện tích đất trên ở xã Tam Phước được bà Mực mua lại của ông Nguyễn Thế Diệu và bà Bùi Thị Dự (cùng trú tại xã Tam Phước).
“Tôi cũng là nạn nhân”
Trao đổi với phóng viên, bà Mực cho biết, bà mua 2 thửa đất của ông Hiệu và bà Dự theo hình thức ủy quyền. Ngày 20/7/2020, hai bên đã ra ký hợp đồng ủy quyền và sau đó bà Mực bán diện tích trên cho 33 khách hàng. Đồng thời, ký 2 HĐ chuyển nhượng QSDĐ đối với các hộ dân này như trên.
Quá trình làm thủ tục chuyển nhượng, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Long Điền có văn bản trả lời trong diện tích 2 thửa đất trên có hơn 5.734m2 nằm trong ranh giới rừng phòng hộ. Do đó, cơ quan chức năng huyện Long Điền không giải quyết cấp Giấy CNQSDĐ, cũng như đứng tên đồng sở hữu theo HĐ chuyển nhượng. Vụ việc được khách hàng của bà Mực khởi kiện ra TAND huyện Long Điền yêu cầu tuyên hủy 2 HĐ chuyển nhượng QSDĐ nói trên. TAND huyện Long Điền đưa ra xét xử đã chấp thuận, tuyên hủy HĐ, yêu cầu bà Mực trả lại tiền cho các hộ dân.
Theo bà Mực, 2 thửa đất trên có giấy tờ do nhà nước cấp, đất sử dụng ổn định từ trước đến nay. Quyền lợi của người được cấp Giấy CNQSDĐ là hợp pháp và được pháp luật thừa nhận. Bản thân bà Mực cũng mua phải đất liên quan đến rừng phòng hộ mà không biết. “Tôi cũng là nạn nhân. Nếu biết diện tích đất của ông Hiệu, bà Dự nằm trong ranh rừng phòng hộ, cơ quan chức năng nên thu hồi hoặc ngăn chặn ngay tại cơ quan công chứng để tránh phát sinh tranh chấp”, bà Mực bày tỏ.
Theo bà Mực, người dân mua đất và đặt cọc cũng được bà cho biết là đất nông nghiệp và mua đồng sở hữu 16-17 người/lô, chứ không phải mua bán đất nền, phân lô. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Giấy CNQSDĐ đối với 2 diện tích trên là đất rừng sản xuất, chứ không phải đất nông nghiệp. HĐ đặt cọc giữa bà Mực và các hộ dân là bán đất theo lô, diện tích mỗi lô từ 100-150m2/lô, chứ không phải HĐ đặt cọc bán đất đồng sở hữu 16-17 người/lô như bà Mực thông tin. Ghi nhận thực tế của phóng viên tại 2 thửa đất trên có hàng chục cọc bê tông phân lô được cắm kiên cố trên đất, với diện tích tương ứng từ 100-150m2. Thậm chí cọc bê tông phân chia ranh giới đường nội bộ rộng khoảng 4m trên thửa đất.
Bà Mực cho biết, bà chấp nhận phong tỏa 1 lô đất ở trung tâm huyện Long Điền trị giá 20 tỷ đồng để thi hành án (THA). Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, lô đất này đã bị bà Mực thế chấp cho ngân hàng. Để bảo đảm giải quyết vụ việc, cơ quan THA “phong tỏa” các tài sản khác của bà Mực cho đến khi việc THA hoàn thành.
Bài, ảnh: THANH HẢI