Tiền mất, nợ mang vì mua phải đất rừng

Thứ Ba, 05/09/2023, 20:40 [GMT+7]
In bài này
.

Hàng chục hộ dân rơi vào cảnh “tiền mất, nợ mang” khi nhận chuyển nhượng phải đất rừng. Vụ việc được TAND huyện Long Điền giải quyết và bản án đã có hiệu lực nhưng công tác thi hành án (THA) gặp khó khăn, khiến người dân lo lắng.

Khu đất rừng bà Mực bán cho các hộ dân tại xã Tam Phước (huyện Long Điền).
Khu đất rừng bà Mực bán cho các hộ dân tại xã Tam Phước (huyện Long Điền).
Mua đất ở, được giao đất rừng

Phản ánh tới Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, bà Lê Thị Tịnh (ngụ phường Long Hương, TP.Bà Rịa), đại diện các hộ dân cho biết, trong những năm 2019 và 2020, bà và 32 hộ khác nhận chuyển nhượng đất của bà Nguyễn Thị Mực (huyện Long Điền) tại xã Tam Phước theo hình thức phân lô bán nền, với giá từ 165-380 triệu đồng/lô (diện tích 100-200 m2/lô). Tuy nhiên, việc chuyển nhượng chỉ mới thực hiện trên giấy.

Để mua đất, người dân phải đặt cọc cho bà Mực từ 30-50 triệu đồng/lô. Theo cam kết tại hợp đồng đặt cọc, trong vòng 45 ngày, hai bên sẽ ra phòng công chứng để thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hoàn tất thanh toán số tiền còn lại. Hơn 2 tháng sau, bà Mực mới thực hiện theo cam kết. Tuy nhiên, thay vì chuyển nhượng đất nền cho các hộ dân, bà này lại chuyển nhượng 2 lô đất nông nghiệp tại xã Tam Phước, với tổng diện tích hơn 6.000 m2 cho 32 hộ dân với hình thức đồng sở hữu.

Sau đó, các hộ dân thanh toán hết tiền đất cho bà Mực. Bà này tiếp tục hẹn thêm 50 ngày để hoàn thành “sổ đỏ” đồng sở hữu cho các hộ dân, nhưng chờ mãi vẫn không thấy. Nguyên nhân, 2 thửa đất trên thuộc đất rừng phòng hộ nên cơ quan chức năng huyện Long Điền trả lại hồ sơ cho bà Mực.

Sau đó, 18/32 hộ dân đã khởi kiện bà Mực ra TAND huyện Long Điền. Ngày 28/3/2023, TAND huyện Long Điền có bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các hộ dân, tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa bà Mực và các hộ dân, buộc bà Mực trả lại tiền cho các hộ.

Bản án đã có hiệu lực từ tháng 3 và cơ quan THA tích cực vào cuộc xử lý, nhưng đến nay công tác THA vẫn chưa thể hoàn thành, khiến người dân lo lắng, bất an. “Chúng tôi chờ đợi gần nửa năm rồi, mong cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp đỡ cho chúng tôi được THA, nhận lại tiền để ổn định cuộc sống, trang trải nợ nần”, bà Nguyễn Thị Vân, một hộ dân mua đất của bà Mực nói.

Khó thi hành án

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, công tác THA án gặp nhiều khó khăn do bà Mực không có khả năng THA.

Cụ thể, theo quyết định tại bản án, tổng số tiền bà Mực phải trả lại cho người dân gần 3,8 tỷ đồng. Qua điều tra xác minh, hiện tại trên địa bàn huyện Long Điền, bà Mực có 16 giấy CNQSDĐ (còn gọi là “sổ đỏ”). Trong đó, 4 “sổ đỏ” đứng tên đồng sở hữu với 40 người, còn lại 12 sổ do vợ chồng bà Mực đứng tên. Trong số 12 “sổ đỏ” trên, có 4 “sổ đỏ” được bà Mực thế chấp ngân hàng. Theo thông báo của bà Mực, số còn lại bà đã chuyển nhượng cho những người khác trước khi có bản án, nhưng những người nhận chuyển nhượng này chưa làm thủ tục sang tên. Do đó, cơ quan THA huyện Long Điền cũng đang phong tỏa các “sổ đỏ” này của bà Mực.

Trong quá trình cơ quan chức năng giải quyết THA, bà Mực cho biết bà không có khả năng THA. Do đó, bà đề nghị cơ quan THA mở phong tỏa 8 “sổ đỏ” mà bà đã chuyển nhượng cho người mua trước khi có bản án, để tạo điều kiện cho những người này làm “sổ đỏ”. Bà Mực đồng ý THA đối với 4 “sổ đỏ” đang thế chấp ngân hàng. Đồng thời yêu cầu cơ quan THA tiếp tục phong tỏa và làm rõ với ngân hàng đối với 4 “sổ đỏ” bà đang thế chấp để xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, theo cơ quan THA, việc phối hợp với ngân hàng cần nhiều thời gian và tùy thuộc vào ngân hàng, do đó thời gian giải quyết THA đối với vụ việc của các hộ dân và bà Mực kéo dài hơn một số vụ việc thông thường.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

;
.