Trước phản ánh của du khách việc mương thoát nước ở ngã tư Hồ Tràm (ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) có màu đen và bốc mùi hôi, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã tìm hiểu sự việc này.
Mương thoát nước Hồ Tràm (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) có màu đen và mùi hôi. |
Giống kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè 10 năm trước?
Phản ánh tới Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông H. (một du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh) cho biết, vừa qua ông tới khu du lịch Hồ Tràm chơi vì nơi này được quảng bá có cảnh quan đẹp và nguyên sơ. Chuyến tham quan với những trải nghiệm tuyệt vời tại Hồ Tràm gây ấn tượng rất tốt với ông. Tuy nhiên, ông cảm thấy hụt hẫng khi phát hiện con mương nước giữa trung tâm Hồ Tràm có màu đen và bốc mùi hôi.
Theo ông H., tại ngã tư Hồ Tràm có mương nước được xây dựng rất đẹp. Nhưng khi ông tới gần thì mùi hôi nồng nặc và nước màu đen kịt. “Tôi có cảm giác như mình đang đứng ở kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè (TP.Hồ Chí Minh) của 10 năm trước. Hồ Tràm là điểm du lịch nổi tiếng, không hiểu sao lại để một con mương đen xì và hôi như vậy ở ngay ngã tư trung tâm”, ông H. nói.
Ông H. phản ánh tới Báo Bà Rịa-Vũng Tàu với mong muốn cơ quan chức năng xử lý, cải thiện môi trường con mương để Hồ Tràm luôn là khu du lịch xanh-sạch-đẹp và chất lượng trong lòng du khách.
Có mặt tại nơi ông H. phản ánh, chúng tôi ghi nhận con mương được xây dựng rất khang trang, kéo dài với hàng lan can khá đẹp. Tuy nhiên, nước dưới mương khá cạn có màu đen sì bốc mùi hôi, rác và xốp nổi lềnh bềnh. Đi dọc tuyến mương, chúng tôi thấy nhiều đường ống với kích cỡ khác nhau được chôn hai bên bờ để xả nước xuống mương.
“Mương vừa làm chưa đấu nối với điểm thoát nên nước tù, đọng. Thêm vào đó một số cơ sở phía trên có khả năng xả xuống nên nước có mùi hôi”, một người dân địa phương nói.
Tương tự, bà V. (nhà cạnh mương) cho biết, ban ngày có ngửi thấy mùi hôi nhưng chỉ thoảng qua. Ban đêm gió thổi mạnh thì cảm nhận mùi hôi rõ ràng hơn.
Dự án mương thoát nước Hồ Tràm với mục đích thu gom nước mặt cho toàn khu vực được triển khai xây dựng từ năm 2020 với vốn đầu tư 78 tỷ đồng, do Phòng Kinh tế-Hạ tầng làm chủ đầu tư. Mương dài khoảng 8,1km, điểm đầu là ngã tư Hồ Tràm, điểm cuối đổ vào Sông Ray rồi chảy ra biển. |
Nước đen là do lá cây rừng mục nát
Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Phi Khánh, Trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Xuyên Mộc cho biết, quanh khu vực mương có khoảng 5.000ha rừng và khu dân cư xã Phước Thuận. Mỗi lần có mưa lớn, nước từ trên rừng và khu vực lân cận đổ về khiến Hồ Tràm biến thành biển nước. Để giải quyết tình trạng trên, UBND tỉnh đã đầu tư và yêu cầu địa phương khẩn trương xây dựng mương thoát nước cho Hồ Tràm.
Dự án được triển khai xây dựng từ năm 2020, đến nay đã cơ bản hoàn thành, đơn vị xây dựng đang tiến hành lắp lan can, đấu nối mương nhánh và thông điểm xả cuối. Dự kiến cuối tháng 8/2023, sẽ hoàn tất những hạng mục của mương thoát nước.
“Không chỉ thoát nước, ở điểm đầu mương gần ngã tư Hồ Tràm, chúng tôi còn xây dựng sân rộng cho người dân địa phương tập thể dục thể thao”, ông Huỳnh Phi Khánh nói.
Có khá nhiều ống xả được chôn hai bên bờ mương nước. |
Lý giải việc nước dưới mương có màu đen và mùi hôi, ông Huỳnh Phi Khánh thông tin thêm, nước mưa trên rừng đổ về thường có màu đỏ sậm và mùi hôi do lá cây mục nát. Thêm vào đó, mương chỉ mới thông tạm thời để chống ngập do những cơn mưa lớn vừa qua nên bên trong còn nước còn đọng lại.
Về những đường ống xả nước nối vào mương, ông Khánh cho biết sẽ kiểm tra để có phương án xử lý. “Mương này chỉ có chức năng thoát nước mặt toàn bộ khu vực Hồ Tràm. Những ống đã chôn nếu xả nước mặt thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho người dân xả nước vào mương. Còn ống xả nước thải thì phải yêu cầu đào lên. Nước thải phải được thu gom, xử lý chứ không thể xả trực tiếp xuống mương”, ông Khánh khẳng định.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN