Viên chức sinh con thứ 3 có vi phạm chính sách dân số?

Thứ Ba, 13/06/2023, 19:31 [GMT+7]
In bài này
.

Báo Bà Rịa-Vũng Tàu nhận được thư của ông Nguyễn Văn Hòa (SN 1981, giáo viên Trường THPT Long Hải-Phước Tỉnh, huyện Long Điền) hỏi về việc áp dụng quy định xử lý vi phạm chính sách dân số của viên chức.

Hội nghị viên chức, người lao động năm học 2022 - 2023 tại Trường THPT Long Hải - Phước Tỉnh. Ảnh: Trường THPT Long Hải - Phước Tỉnh (Ảnh minh họa).
Hội nghị viên chức, người lao động năm học 2022 - 2023 tại Trường THPT Long Hải - Phước Tỉnh. Ảnh: Trường THPT Long Hải - Phước Tỉnh (Ảnh minh họa).

Cụ thể, tháng 6/2022 vợ chồng ông Hòa có sinh thêm con thứ tư. Ngày 25/5/2023, Hiệu trưởng Trường THPT Long Hải-Phước Tỉnh ban hành quyết định số 166/QĐ-THPT.LHPT kỷ luật ông Hòa bằng hình thức khiển trách do vi phạm chính sách dân số. Căn cứ vào quyết định 166, Hiệu trưởng trường này đánh giá, xếp loại ông Hòa theo Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ là “không hoàn thành nhiệm vụ”.

Ông Hòa đặt câu hỏi: theo các quy định hiện nay thì việc viên chức (không phải là đảng viên) sinh con thứ ba, thứ tư có vi phạm quy định về chính sách dân số không? Nếu như viên chức (không phải là đảng viên) vi phạm quy định về chính sách dân số thì việc đánh giá, xếp loại viên chức cuối năm theo Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ là “không hoàn thành nhiệm vụ” có đúng quy định? Việc viên chức vi phạm chính sách dân số có thuộc trường hợp quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 15, Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/08/2020 của Chính phủ hay không?

Giải đáp những câu hỏi của ông Hòa, luật sư Nguyễn Trí Độ, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, Pháp lệnh Dân số hiện hành quy định những trường hợp không vi phạm khi sinh tiếp một hoặc hai con:

“Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.

Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.

Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ): Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ); Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.

Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh”.

Như vậy, nếu thuộc các trường hợp trên, ông Hòa sẽ không vi phạm Pháp lệnh dân số khi sinh con thứ 3, 4. Đồng thời, theo quy định tại khoản 9, Điều 16, Nghị định 112/2020/NĐ-CP, viên chức sinh con thứ 3 có thể bị khiển trách do vi phạm quy định của pháp luật về dân số. Ngoài ra, hình thức xử lý cụ thể đối với viên chức vi phạm được thực hiện theo quy định trong nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị đó đề ra nên cần tham khảo xem có quy định về vấn đề xử lý kỷ luật viên chức sinh con thứ 3, 4 hay không.

Về câu hỏi thứ 2: nếu ông Hòa là viên chức thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Viên chức và hàng năm phải thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ. Căn cứ các tiêu chí chung về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Điều 3 của Nghị định này, trong năm nếu viên chức có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật thì đánh giá, xếp loại ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với câu hỏi thứ 3: theo Điều 15 về tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:

-  Viên chức không giữ chức vụ quản lý có một trong các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ: Có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá.

Viên chức bị xử lý kỷ luật thì căn cứ các Điều 3 và 15 của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP để thực hiện đánh giá, xếp loại hàng năm. Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách thì việc đánh giá, xếp loại cho cuối năm thuộc mức xếp loại viên chức “không hoàn thành nhiệm vụ”.

MẠNH QUÂN (Ghi)

;
.