Khi bị chó cắn nên đi chích ngừa bệnh dại

Thứ Sáu, 09/06/2023, 19:24 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi: Thưa bác sĩ, các đây 2 ngày, con tôi 6 tuổi bị chó nhà hàng xóm cắn chảy máu ở bắp chân. Chủ của con chó cho biết chó đã được chích ngừa nên tôi có cần cho con tôi chích ngừa hay không vì qua theo dõi, tôi thấy con chó vẫn bình thường.

Minh Hằng, xã Cù Bị, huyện Xuyên Mộc 

Trả lời: Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm, do virus dại lây từ động vật có vú sang người, phần lớn từ chó, một số ít từ mèo, dẫn đến tổn thương não, thần kinh nghiêm trọng.

99% số ca mắc bệnh dại ở người do bị chó nhiễm virus dại cắn hoặc cào cấu. Thậm chí bệnh có thể truyền qua nước bọt của chó khi chúng liếm vào vết thương hở ở chân, tay, mặt…

Sau khi nhiễm virus, thời gian ủ bệnh trung bình từ 2 đến 3 tháng hoặc 1 năm nhưng cũng có thể chỉ sau 1 tuần. Bệnh xuất hiện sớm hay muộn phụ thuộc vào như vị trí xâm nhập của virus và tải lượng virus. Nếu chó dại cắn ở vùng đầu, mặt, cổ,… gần hệ thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn, còn nếu cắn ở tay, chân thì sẽ lâu phát bệnh hơn.

Khi đã phát bệnh, người bệnh có thể ở trạng thái cuồng hoặc trạng thái liệt.

Ở trạng thái cuồng (chiếm 80%), người bệnh xuất hiện các triệu chứng: Sốt cao, đau đầu, cảm giác ngứa ran, châm chích hoặc bỏng rát tại chỗ bị chó cắn. Một thời gian, khi virus đã xâm nhập hệ thần kinh trung ương, hiện tượng viêm não, viêm tủy sống bắt đầu tiến triển. Lúc này người bệnh có thể có một số biểu hiện như bồn chồn, lo lắng, sợ nước, sợ gió, bị ảo giác (nhìn hoặc nghe thấy những thứ không thật sự xảy ra), lú lẫn, co thắt cơ bắp, khó thở, nuốt khó, tiết nhiều nước bọt, sủi bọt ở miệng, tê liệt, ngưng tim ngưng thở rồi tử vong.

Ở trạng thái liệt (chỉ chiếm khoảng 20%), người bệnh có dấu hiệu tê liệt cơ bắp, bắt đầu ở vị trí vết cắn rồi lan ra nhiều nơi khác, sau đó là hôn mê rồi chết.

Chẩn đoán bệnh dại dựa vào biểu hiện bên ngoài như sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng…,  kết hợp với yếu tố người bệnh sống ở khu vực đang có bệnh dại. Việc xác định bệnh sẽ được bác sĩ thực hiện bằng xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang từ các mảnh da lấy từ rìa tóc ở gáy bệnh nhân, chẩn đoán huyết thanh hoặc các kỹ thuật phát hiện ARN của virus dại bằng phản ứng sinh học phân tử.

Vì thế, khi đã bị chó cắn hoặc liếm vào các vết thương hở, vết trầy xước trên da, và mặc dù chó đã được tiêm ngừa bệnh dại, người bị cắn phải lập tức rửa bằng xà phòng hoặc các dung dịch kháng khuẩn như  povidone iodine ít nhất 15 phút rồi đến bệnh viện để được chích ngừa. Tuyệt đối không chủ quan vì cho rằng “chó đã chích ngừa rồi thì không lo”. Càng đến bệnh viện sớm thì thì việc ngăn chặn bệnh dại càng hiệu quả.

Với người nuôi chó, ngoài việc tiêm ngừa bệnh dại cho chó, nên đeo rọ mõm mỗi khi thả chó ra ngoài, xích chó khi ở trong nhà. Nếu thấy chó xuất hiện những triệu chứng như sợ nước, sợ ánh sáng, chảy nước dãi, có khuynh hướng muốn cắn khi thấy người lại gần thì nên đưa ngay đến bác sĩ thú y…

NGUYỄN NGỌC VINH
(Nguyên bác sĩ BV Nhiệt Đới TP.HCM)

;
.