Xử lý thế nào khi bị lấn chiếm đất?

Thứ Sáu, 05/05/2023, 18:03 [GMT+7]
In bài này
.

Đường dây nóng Báo Bà Rịa-Vũng Tàu thời gian gần đây nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về việc xử lý thế nào khi bị hàng xóm lấn chiếm đất?

Cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu và Luật sư Nguyễn Văn Cảnh (Giám đốc Công ty Luật TNHH Nguyễn Cảnh) sẽ giúp bạn đọc có thêm thông tin, qua đó giúp người bị lấn chiếm đất tìm ra phương án tốt nhất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

 
* Phóng viên: Luật sư cho biết về các hành vi lấn, chiếm đất?

- Luật sư Nguyễn Văn Cảnh: Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép. (Theo Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai).

Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây: Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép; Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép; Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp); Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tại khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013, thì hành vi lấn, chiếm, hủy hoại đất đai là hành vi bị nghiêm cấm.

Như vậy, đối chiếu các quy định như trên, có thể hiểu lấn đất của người khác là hành vi trái pháp luật mà người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích sử dụng đất khi không được cho phép.

Chiếm đất là việc người sử dụng đất thực hiện các hành vi như tự ý sử dụng đất không phải thuộc quyền sử dụng của mình khi không được cho phép. Theo đó, nếu vi phạm thì tùy theo mức độ, tính chất của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, nếu vẫn tiếp tục thực hiện hành vi lấn chiếm đất đai thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ 6 tháng đến 3 năm tù.

Một trường hợp bị hàng xóm lấn chiếm đất xây hàng rào xảy ra trên địa bàn huyện Châu Đức. (Ảnh minh họa)
Một trường hợp bị hàng xóm lấn chiếm đất xây hàng rào xảy ra trên địa bàn huyện Châu Đức. (Ảnh minh họa)

.* Cách xử lý khi bị hàng xóm lấn, chiếm đất như thế nào thưa luật sư?

- Theo quy định tại Điều 174, Điều 175 BLDS 2015, người có quyền sử dụng đất có nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản; ranh giới được xác định theo thỏa thuận của các chủ sở hữu hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền, được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng và ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch do cơ quan nhà nước đã quy định và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất, không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và chung quanh.

Do đó, hàng xóm và các chủ sở hữu đất liền kề có nghĩa vụ tôn trọng ranh giới, trong phạm vi ranh giới, người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác theo quy định trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định.

Khi xảy ra tranh chấp do việc lấn, chiếm đất thì các chủ thể đất có quyền thực hiện các cách giải quyết cụ thể như sau:

Hòa giải tranh chấp đất đai giữa các bên.

Khi phát hiện bị hàng xóm lấn, chiếm đất thì người sử dụng đất có đất bị lấn, chiếm có quyền yêu cầu được trả lại đất, các bên có thể tiến hành tự thoả thuận, trường hợp các bên không tự thoả thuận được thì có quyền gửi đơn đến UBND xã, phường nơi có đất tranh chấp để hoà giải.

Đây là nguyên tắc đầu tiên và cũng là phương thức xử lý mà nhà nước luôn khuyến khích các bên thực hiện khi có tranh chấp liên quan tới đất đai. Việc hoà giải được quy định và thực hiện theo Điều 202 Luật Đất đai 2013. Nếu việc hòa giải đã được hoà giải thành thì các bên có trách nhiệm tuân thủ và thực hiện đúng như đã cam kết.

Khởi kiện tranh chấp đất đai tại tòa án.

Trường hợp hòa giải tại cơ sở mà các bên vẫn không giải quyết được tranh chấp (tức là hòa giải không thành) thì các bên có quyền khởi kiện ra TAND nơi có bất động sản đang tranh chấp. Điều kiện, nội dung, hình thức và thủ tục khởi kiện được thực hiện theo quy định tại Luật Đất đai 2013; Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, và Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 5/5/2017.

* Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi này!

TRÍ NHÂN
(Thực hiện)

;
.