KẾT THÚC ĐỢT LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Nhiều góp ý về bồi thường, hỗ trợ người bị thu hồi đất

Thứ Ba, 21/03/2023, 18:13 [GMT+7]
In bài này
.

Theo Ủy ban MTTQ VN tỉnh, từ 3/2 đến 13/3, cơ quan này tổ chức 274 hội nghị với hơn 32.000 người tham dự đã đóng góp 426 lượt ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Cán bộ MTTQ VN phường Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ lấy ý kiến của ông Trịnh Văn Môn (bìa phải, ngụ KP. Tân Ngọc, phường Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ) đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Cán bộ MTTQ VN phường Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ lấy ý kiến của ông Trịnh Văn Môn (bìa phải, ngụ KP. Tân Ngọc, phường Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ) đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Nội dung người dân góp ý tập trung nhiều nhất vào quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Để việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” đạt hiệu quả, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ VN tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai đến Ủy ban MTTQ VN các cấp và các tổ chức thành viên trên địa bàn tỉnh.

Ngày 24/2, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ VN tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến với thành phần tham dự là đại diện các tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các cá nhân tiêu biểu; các tôn giáo, DN…

Theo Ủy ban MTTQ VN tỉnh, các ý kiến đóng góp đều cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai. Bởi Luật Đất đai năm 2013 đã được triển khai thực hiện 10 năm. Quá trình thực hiện còn nhiều nội dung chưa phù hợp, chưa sát thực tiễn cuộc sống, cũng như đáp ứng quá trình phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến đóng góp, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung vào các nội dung chính như: sở hữu đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất; giá đất; chế độ sử dụng các loại đất; quyền của người sử dụng đất; giám sát việc quản lý, sử dụng đất...

Cụ thể, nhiều góp ý đề nghị bỏ khái niệm “Hộ gia đình” tại khoản 2, Điều 5 quy định về người sử dụng đất. Thực tế có nhiều phát sinh khi giao dịch dân sự như: vợ, chồng, con cái ở xa nên khi cần giao dịch về đất đai thì cha mẹ không lấy được ý kiến đầy đủ của các thành viên trong gia đình…

Còn tại Điều 28 quy định về quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, các ý kiến cũng đề nghị bỏ nội dung “hộ gia đình sử dụng đất” vì khi người dân sang tên chuyển nhượng hoặc tách thửa thực hiện thủ tục hành chính buộc phải có đủ thành viên trong hộ gia đình ký xác nhận thì mới được làm thủ tục sang tên chuyển nhượng hoặc tách thửa.

“Đây là vấn đề gây khó khăn cho dân, vì trong hộ gia đình trước đây có cha, mẹ, anh chị em nhưng trong thời gian sinh sống cha hoặc mẹ mất thì không làm được hồ sơ chuyển nhượng vì vướng luật”, bà Đặng Thị Kính (TT.Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) nói.

Tại Điều 78 quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, người dân đề nghị tách mục đích thu hồi đất phục vụ vì lợi ích quốc gia và công cộng khỏi mục đích phát triển kinh tế - xã hội.

Việc thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại thì nên để nhà đầu tư thương lượng với người dân.

Còn Điều 80, quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, ở điểm a, khoản 1 người dân đề nghị “Cần xác định rõ tỉ lệ diện tích sử dụng đất vi phạm”. “Ví dụ ông A có quyền sử dụng đất 1.000m2 trong đó đất cây hàng năm 700m2 và đất ở 300m2, ông A xây dựng công trình 350m2, vi phạm 50m2, đã lập biên bản vi phạm, lần sau tiếp tục vi phạm tăng thêm 40m2. Vậy diện tích bị thu hồi do vi phạm trong trường hợp này là bao nhiêu? Do đó Luật cần quy định cụ thể hơn”, bà Nguyễn Thị Châu, xã Phước Long Hội, huyện Đất Đỏ nêu ý kiến.

Tương tự, tại khoản 2 và khoản 4 Điều 89, các ý kiến góp ý đề nghị việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ.

Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với người bị thu hồi đất thời gian qua từng bước hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho người có đất bị thu hồi, ổn định đời sống và sản xuất.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc hỗ trợ, tái định cư của người có đất bị thu hồi chưa thỏa đáng dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận, bức xúc làm phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.

Do đó cần thể chế hóa các quy định nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, cụ thể hóa các tiêu chí thế nào là “tốt hơn nơi ở cũ”…

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

Theo kế hoạch dự kiến, Bộ TN-MT sẽ hoàn thiện hồ sơ Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân trước ngày 27/3/2023. Trình Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến góp ý trước ngày 1/4/2023.
Báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 5/4/2023. Dự kiến, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến lần thứ 2 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023).

 

 

;
.