Thả diều, coi chừng đường điện và an toàn giao thông
Thả diều là trò chơi được nhiều người dân yêu thích, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ. Những buổi chiều cha con cùng nhau thả diều là khoảng thời gian để các bé vận động, hít thở không khí trong lành, rất tốt cho sức khoẻ, học tập và sự phát triển của trẻ.
Thú vui thả diều tiềm ẩn tai nạn giao thông và uy hiếp an toàn lưới điện. |
Tuy nhiên, hiện nay việc thả diều ở trong khu dân cư, trên đường giao thông hay gần lưới điện tiềm ẩn vô vàn nguy hiểm, có thể gây tai nạn không những cho những người thả diều mà còn cả người tham gia giao thông.
Tai nạn giao thông rình rập
Ghi nhận của phóng viên, những ngày vừa qua thời tiết nắng nóng và có gió lớn nên buổi chiều tối rất đông người dân và trẻ em trên địa bàn tỉnh tập trung tới công viên, khu đất trống hay cánh đồng để vui chơi và thả diều. 17 giờ, trên các con đường giao thông tại cánh đồng thôn 5 và 6 (xã Bình Trung, huyện Châu Đức) tấp nập người lớn và trẻ em vui chơi. Hàng chục chiếc diều đủ màu sắc, hình dáng và kích thước được các em nhỏ vô tư thả dưới đường dây điện. Đáng lo là các em còn chạy nhảy, kéo dây diều căng ngang đường giao thông khiến phương tiện qua lại khó khăn.
Thường xuyên đi qua cánh đồng thôn 6, anh Thiên (ngụ xã Bình Trung) cho biết, chiều tối anh đi làm về, phát hiện phía trước có nhiều trẻ em thả diều trên đường nên đã chủ động chạy xe chậm. Tuy nhiên rất nhiều lần anh bị dây diều vướng vào người và xe. “Có hôm tôi bấm còi cảnh báo từ xa nhưng khi xe chạy tới gần do các em nhỏ mải mê ngắm diều mà không để ý cứ lao thẳng ra giữa đường. May mà tôi thắng xe kịp thời không là xảy ra tai nạn”, anh Thiên kể.
Chiều 11/2, một chiếc xe ben chạy trên đường giao thông liên xã ở thôn 6, xã Bình Trung thì bất ngờ một em nhỏ kéo dây diều băng nhanh qua đường. Tài xế xe ben phản xạ nhanh đạp thắng “cháy lốp” mới tránh được tai nạn xảy ra. Dây diều bằng sợi dù vướng vào đầu cabin xe, cuốn và kéo gương xe suýt gãy. Cả tài xế và người thả diều được một phen hoảng hồn.
Tương tự, chị Hạnh (ngụ TT. Ngãi Giao, huyện Châu Đức) cho biết mới đây khi chị đi làm về trên con đường gần khu tái định cư ở TT. Ngãi Giao thì bất ngờ bị dây diều sà xuống quấn vào người và xe. Bị vướng dây diều khiến chị loạng choạng xe xuýt ngã, dây diều cứa hằn trên cổ.
“Người lớn phải quản lý và nhắc nhở con em mình thả diều đúng nơi quy định chứ để vậy quá nguy hiểm, dễ gây tai nạn cho người đi đường”, chị Hạnh lo lắng.
Uy hiếp an toàn lưới điện
Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn với người tham gia giao thông, việc thả diều gần đường dây điện, dưới lưới điện cao thế còn đe dọa uy hiếp an toàn điện. Tại những nơi thả diều, phóng viên chứng kiến nhiều em nhỏ khi diều bị vướng vào dây điện đã cố kéo dây diều khiến dây điện bị võng xuống. Có người còn dùng gậy, đá bắn hay dùng sào, gậy chọc vào dây điện để lấy diều xuống khiến nguy cơ bị điện giật và chập cháy rất cao.
Một cán bộ điện lực huyện Châu Đức cho biết những năm trước từng có một số trường hợp diều bay vướng vào đường dây điện đang vận hành làm chập điện, gây sự cố điện của toàn tuyến, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh cho biết, hàng năm Điện lực tỉnh đã xây dựng kế hoạch công việc cụ thể về công tác quản lý vận hành lưới điện trung hạ thế và triển khai thực hiện hàng loạt công tác kiểm tra, bảo dưỡng lưới điện trung, hạ áp…
Bên cạnh đó, Điện lực tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc thường xuyên phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, không thả diều, vật bay gần đường dây và trạm điện. Đồng thời, cương quyết xử lý trường hợp cố tình vi phạm gây sự cố hệ thống lưới điện.
“Người dân không được buộc, gác các vật dụng trang trí… hay tự ý trèo lên cột điện, dùng sào gỡ diều khi bị vướng vào lưới điện trung, hạ thế mà phải báo ngay cho đơn vị quản lý, vận hành can thiệp để tránh sự cố lưới điện và tai nạn điện”, ông Trần Thanh Hải khuyến cáo.
Để ngăn ngừa tai nạn giao thông và bảo đảm an toàn lưới điện, ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho rằng người lớn phải làm gương và phải nhắc nhở, nghiêm cấm và giám sát con cháu không để thả diều trong khu dân cư, trên đường giao thông và gần đường dây điện. Chọn thả diều ở những nơi có khoảng không gian rộng, không có đường dây, trạm điện ở gần để bảo đảm an toàn cho chính bản thân và mọi người.
Phạt tiền từ 1-5 triệu đồng đối với hành vi thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện.
(Theo điểm d, khoản 1, Điều 15, Nghị định 134/2013/NÐ-CP ngày 17/10/2013)
Bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng nếu thả diều, bóng bay, các loại đồ chơi có thể bay ở khu vực cấm, khu vực mục tiêu được bảo vệ.
(Theo điểm d, khoản 2, Điều 7 Nghị định 144/2021, ngày 31/12/2021)
|
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN