Tin tưởng mua đất mà không tới kiểm tra thực địa, bà Nhâm Hăng Rết (SN 1975, ngụ xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức) tá hỏa khi 2 thửa đất trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) được chuyển nhượng cho mình đang được người khác xây nhà ở, canh tác nhiều năm qua.
Mua đất trên giấy tờ, bà Nhâm Hăng Rết có nguy cơ mất 2 thửa đất dù đã được cấp Giấy CNQSDĐ. |
Giữ “sổ đỏ” nên yên tâm
Phản ánh tới Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, bà Nhâm Hăng Rết cho biết, năm 2011 ông Dương Đình Hào (SN 1941, ngụ cùng xã Suối Nghệ) chuyển nhượng cho bà 5 thửa đất: 601, 604, 614, 615 và 616, thuộc tờ bản đồ số 37 tại xã Đá Bạc (huyện Châu Đức). Tổng diện tích 5 thửa đất gần 1.300m2, được cấp Giấy CNQSDĐ số BB 568253 ngày 9/6/2010. Theo ông Hào, nguồn gốc đất do gia đình nhận sang nhượng từ năm 1986.
Tin tưởng ông Hào nên khi mua đất, bà Rết nhờ người làm giúp giấy tờ, thủ tục chuyển nhượng mà không hề đến thực địa, không biết đất mình mua nằm ở đâu. “Anh em chúng tôi gom góp được mấy chục triệu để mua đất vì chỗ đang ở hiện tại có quy hoạch phải giải tỏa. Làm thủ tục xong, tôi nghĩ cầm “sổ đỏ” do nhà nước cấp là “chắc ăn” rồi nên lo đi buôn bán kiếm sống chứ không tới thực địa xem đất”, bà Rết nói.
Đến năm 2019, khi địa phương thực hiện việc đo vẽ lại bản đồ thì bà Rết mới đi tìm khu đất mình đã mua. Lúc này bà mới tá hỏa khi biết 2 thửa đất 601 và 604 với diện tích gần 550m2 đã có người xây nhà cấp 4 ở và canh tác bấy lâu nay. Qua tìm hiểu, bà Rết biết được người xây nhà và canh tác trên đất là ông Đỗ Minh Chánh và Đỗ Minh Vũ (con ông Chánh, cùng ngụ xã Đá Bạc). Bà Rết đã phản ánh vụ việc lên UBND xã Đá Bạc yêu cầu trả lại thửa đất 601 và 604.
Anh Đỗ Minh Vũ (SN 1982, ngụ xã Đá Bạc) cho biết, các thửa đất tranh chấp là do cha anh nhận sang nhượng, sử dụng ổn định từ năm 1997. Năm 2010, ông Hào ra nhận bừa đất và người cấp Giấy CNQSDĐ không xác minh rõ thực địa nên đã cấp luôn “sổ đỏ” cho ông này.
“Ông Hào bán thửa đất qua nhiều người, sau đó vẫn tự nhận và bán tiếp cho bà Rết. Trong khi bà Rết mua trên “sổ đỏ”, không canh tác, không biết đất ở đâu. Chúng tôi gửi đơn ra tòa yêu cầu giải quyết tranh chấp với mong muốn nhận lại phần đất của mình mua trước đây”, anh Vũ nói.
Đất đai là tài sản lớn nên người dân khi mua đất phải xem đất trên thực địa, hỏi hàng xóm liền kề quanh khu đất mình mua xem có tranh chấp hay không và xác định ranh giới. Ngoài ra, người nhận chuyển nhượng nên liên hệ Phòng TN-MT hoặc Văn phòng đăng ký đất đai đề nghị kiểm tra nguồn gốc sử dụng đất, ranh giới, bản đồ và quy hoạch… để tránh những rắc rối sau này.
Luật sư Đỗ Văn Hoãn, Văn phòng Luật sư Đỗ Lê
|
Nhờ tòa án giải quyết
Theo UBND xã Đá Bạc, sau khi nhận được đơn yêu cầu của bà Rết và anh Vũ, địa phương đã kiểm tra hồ sơ và thực tế xác minh theo hiện trạng sử dụng. Theo đó, anh Vũ đứng tên trên Giấy CNQSDĐ số BD 074267 do UBND huyện Châu Đức cấp ngày 3/11/2010 đối với các thửa số: 603, 606, 607 thuộc tờ bản đồ số 37, với diện tích hơn 1.000m2. Nguồn gốc đất chuyển nhượng từ ông Nguyễn Hoàng Hải.
Trong khi đó, bà Rết đứng tên trên Giấy CNQSDĐ số BB 568253 và BC 584676 do UBND huyện Châu Đức cấp đối với các thửa: 601, 604, 614, 615, 616 và 1308 với tổng diện tích gần 2.000m2 nhận chuyển nhượng từ ông Hào vào năm 2011. Thực tế hiện trạng bà Rết sử dụng diện tích thuộc các thửa: 614, 615, 616 và 1308 thuộc tờ bản đồ số 37, diện tích gần 1.500m2.
Hội đồng hòa giải của UBND xã Đá Bạc yêu cầu hai bên thương lượng để có hướng giải quyết tốt nhất, tránh gây mất tình làng nghĩa xóm và đúng hiện trạng sử dụng đất.
“Sau nhiều lần hòa giải bất thành, chúng tôi đã hướng dẫn các bên liên hệ TAND huyện Châu Đức để được giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định”, ông Nguyễn Văn Trường, cán bộ Địa chính-Xây dựng xã Đá Bạc nói.
Theo luật sư Đỗ Văn Hoãn (Văn phòng Luật sư Đỗ Lê), nếu vụ việc được đưa ra tòa thì ngoài các hồ sơ, giấy tờ pháp lý, HĐXX sẽ căn cứ vào việc sử dụng đất ổn định không có tranh chấp; việc sử dụng đất trước hay sau khi chuyển nhượng và cấp Giấy CNQSDĐ để làm căn cứ giải quyết.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN