Đừng vì "bệnh" thành tích mà tổn thương học sinh

Thứ Tư, 21/12/2022, 19:23 [GMT+7]
In bài này
.

Hội phụ huynh lớp con gái tôi vừa thông báo thu thêm tiền quỹ hội để chuẩn bị cho tiết mục tham gia hội diễn văn nghệ do nhà trường tổ chức. Tôi giật mình khi được biết chỉ tính riêng khoản tiền thuê biên đạo múa cho các con đã lên tới 5 triệu đồng, chưa kể các khoản “phụ phí” khác như trang điểm, trang phục... Tất cả đều do Ban đại diện cha mẹ HS vận động phụ huynh đóng góp.

Nhiều trường học đã vận động nguồn xã hội hóa để thực hiện những hoạt động nhân văn, có ý nghĩa thiết thực. Trong ảnh: Ban Giám hiệu và Ban đại diện cha mẹ HS Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) tổ chức chương trình “Xuân gắn kết-Tết yêu thương”, trao tặng quà Tết cho gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Nhiều trường học đã vận động nguồn xã hội hóa để thực hiện những hoạt động nhân văn, có ý nghĩa thiết thực. Trong ảnh: Ban Giám hiệu và Ban đại diện cha mẹ HS Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) tổ chức chương trình “Xuân gắn kết-Tết yêu thương”, trao tặng quà Tết cho gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Vậy là 3 buổi/tuần, sau giờ học, cô “sinh viên” lớp 1 của tôi lại cùng các bạn tập luyện hơn 1 giờ đồng hồ, cho tới 6 giờ chiều. Về nhà, ăn vội bát cơm, con lại hối hả lao vào bàn học “vật lộn” với những chữ cái, con số mới làm quen hơn 3 tháng nay để chuẩn bị kiểm tra học kỳ 1. Những hôm phải học thêm tiếng Anh ở trung tâm vào buổi tối, con gái tôi gần như đuối sức.

Chia sẻ câu chuyện của mình với một người bạn có con đang học lớp 11 tại một trường phổ thông trên địa bàn thành phố, tôi sốc khi chị cho hay, số tiền lớp con tôi bỏ ra chưa bằng... 1/10 chi phí của lớp con chị. Ròng rã 1 tháng rưỡi, con chị và các bạn cùng lớp ở trường cả ngày vừa học vừa tranh thủ tập văn nghệ. Sau giờ học chính khóa, các con vạ vật ăn trưa ở trường rồi tập luyện với biên đạo múa, đến chiều lại tiếp tục học phụ đạo. Gần ngày biểu diễn, các con thậm chí còn phải tập luyện cả buổi tối.

33 HS trong lớp, mỗi em phải xin cha mẹ gần 2 triệu đồng để thuê biên đạo múa, trang điểm, trang phục, mua sắm phụ kiện... Tiết mục giành giải Nhất, các con được nhà trường khen thưởng hơn 1 triệu đồng. Chị bạn tôi cho biết, nếu không “đầu tư” thì không có giải. Cách nhà trường “quy đổi” kết quả của những phong trào này thành điểm thi đua đã gieo “bệnh” thành tích vào mỗi GV chủ nhiệm và tiếp tục “nhân rộng” sang cả phụ huynh và HS.

Tôi chợt nhớ đến clip “phụ huynh khó khăn đừng có theo lớp này” diễn ra tại một trường TH ở TP.Hồ Chí Minh đã gây “bão” dư luận khi năm học mới chỉ vừa bắt đầu mà không khỏi cảm thấy xót xa, trăn trở. Không riêng gì năm học này, đã lâu nay, khi tiếng trống khai trường vừa dứt cũng là lúc đâu đâu cũng râm ran vấn đề lạm thu. Trong đó phải kể tới việc lạm thu quỹ Ban hội cha mẹ HS. Việc vận động phụ huynh đóng góp đang bị lạm dụng để chi không đúng mục đích, tốn kém, lãng phí. Hội phụ huynh đã biến thành “Hội lạm thu”, thành “Đại lý thu chi” của nhà trường”, là nơi mà phụ huynh không có điều kiện kinh tế không có tiếng nói, thậm chí bị phân biệt đối xử…

Một phụ huynh tôi biết khi trao đổi với hội phụ huynh của lớp đã đề xuất đóng quỹ hội tự nguyện, theo khả năng của từng gia đình. Chị cũng chia sẻ thêm với hội về việc bản thân chị có 4 bé nên rất vất vả, nhất là vào dịp đầu năm học phải chi nhiều khoản. Tuy nhiên, vừa nêu ý kiến, chị lập tức nhận được phản hồi của “lãnh đạo” Hội: “Mức thu chung là 500 ngàn đồng. Còn phụ huynh nào thật sự khó khăn thì nhắn lên nhóm. Vì đây là quỹ hoạt động chung nên quyền lợi và nghĩa vụ sẽ như nhau. Ai thật sự khó khăn thì miễn hoặc giảm. Còn anh chị nào muốn đóng góp thêm cho quỹ lớp thì đóng”. Chị đã im lặng... vì không muốn trở thành phụ huynh “cá biệt”...

Mới đây, phát biểu nhân dịp khai giảng năm học, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Chúng ta đừng vì bệnh thành tích, áp đặt mà làm tổn thương con trẻ”. Và thực tế, không chỉ con trẻ mà phụ huynh cũng đang bị bệnh thành tích làm cho tổn thương. Tôi nghĩ rằng, việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp trong trường học là cần thiết. Song, những sân chơi này phải có ý nghĩa thiết thực, đừng vì thành tích mà tạo áp lực cho GV, HS và làm tổn thương những phụ huynh “yếu thế”.

Những hoạt động này cần đạt được mục tiêu: “dạy các cháu hình thành nhân cách về tình yêu thương, trung thực, lòng nhân ái, sự nỗ lực, sống có lý tưởng, học cách vươn lên từ khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường... trên nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt của mỗi cháu, khuyến khích sự sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thu tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến” như lời Thủ tướng kỳ vọng.

Mong rằng ngành GD-ĐT sẽ có giải pháp chấn chỉnh để các hoạt động trong trường học đi đúng mục tiêu, đạt được những giá trị cốt lõi trong giáo dục.

H.B

;
.