Chuyện đã rất xưa mà vẫn phải nói…
Mới đây, khi đi đám tang một người thân, trong khi tất cả các thành viên trong gia quyến, khách khứa trong khán phòng đang trang nghiêm làm lễ mặc niệm để chuẩn bị tiễn đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng, thì bỗng dưng hồi chuông điện thoại với tiếng réo to vang lên. Chủ nhân của chiếc máy điện thoại ấy không những không tắt máy mà vô tư thưa máy, với tiếng “a lô” năm lần bảy lượt to tướng.
Rồi thì, người này còn nói giọng bô bô, thậm chí còn cười hô hố với người đối thoại ở đầu máy bên kia. Khi đó, mọi ánh mắt ái ngại đều “đổ dồn” về phía chủ nhân của cuộc đàm thoại kia, khi hết phút mặc niệm. Chẳng hiểu người nghe điện thoại kia có hiểu thế nào là lịch sự, là “văn hóa điện thoại” không, chứ cái kiểu sử dụng điện thoại “vô tư” như vậy, e khó chấp nhận quá…(?!)
Trong các cuộc hội họp, hội thảo, các khán phòng đông đúc cần sự tập trung, chú ý của mọi người, thường thì trước khi sự kiện diễn ra bao giờ cũng có một “thông báo” nho nhỏ là: mọi người hãy tắt máy điện thoại, hoặc để chế độ rung! Thế nhưng, thực tế vẫn còn không ít người không làm theo lời nhắc nhở ấy mà họ vẫn vô tư để chuông to, vẫn giao tiếp điện thoại một cách hồn nhiên với giọng to tướng như ở… ngoài chợ, ngoài đường. Khi gặp những người sử dụng điện thoại “thiếu văn hóa” họ có bị nhắc nhở thì lại cảm thấy khó chịu, hằn học…
Chuyện văn hóa điện thoại trên xe buýt thì có cả trăm ngàn vạn chuyện đến… cười ra nước mắt. Không ít người mắc chứng nói dài theo kiểu “nấu cháo điện thoại”, nói oang oang…, khiến hành khách, lái phụ xe cảm thấy… nhức đầu, khó chịu. Có một lần đi xe buýt, tôi từng chứng kiến một nữ sinh viên nói chuyện điện thoại suốt từ nhà chờ cô ấy lên, cho tới tận điểm cô ta xuống xe, với quãng đường dài cả vài cây số!
Cô ta “buôn” chuyện trên trời dưới biển, chuyện tình cảm, chuyện học hành, ăn uống… nghe đến chán chường. Giọng cô ta nào có bé, cứ to rống lên, đôi khi còn cười ré lên nghe đến là vô duyên, phản cảm. Hành khách trên chuyến buýt hôm đó thì chẳng dám nhắc nhở, vì ai cũng nghĩ dẫu có khó chịu thật đấy những chẳng hơi đâu, khi lỡ cô gái đó “phản ứng” tiêu cực thì tự nhiên lại rước bực bội vào người. May lúc có anh phụ xe nhắc nhở cô ta nói bé, nói ít thôi thì cô ta mới chịu giảm âm lượng, nhưng vẫn không ngừng nói, mà tiếp tục… “buôn dưa lê”!
Cuộc sống hiện đại, điện thoại di động là “vật bất lý thân”, vô cùng hữu ích và không thể thiếu. Thiết nghĩ, việc sử dụng và giao tiếp như thế nào để không làm ảnh hưởng đến người chung quanh là nét văn hóa chúng ta cần phải học.
TRỊNH VIẾT