Khiếu kiện kéo dài, anh em bất hòa vì tranh chấp di sản thừa kế, mong cơ quan chức năng sớm xử lý dứt điểm. Đó là mong muốn của bà Võ Thị Phổ (xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) khi phản ánh tới Báo Bà Rịa-Vũng Tàu.
Vụ việc tranh chấp quyền thừa kế kéo dài khiến gia đình hai bên mệt mỏi. Trong ảnh: Bà Võ Thị Phổ (xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) với mảnh vườn đang tranh chấp. |
Theo trình bày của bà Võ Thị Phổ, năm 2004, bà Cao Thị Liên (SN 1915, mẹ của bà, người có công với cách mạng) qua đời, để lại diện tích đất hơn 5.700m2 tại xã Nghĩa Thành. Bà Liên không lập di chúc nhưng lúc còn sống, bà Liên hứa cho bà Phổ thừa kế khu đất này.
Bà có 6 người con. Tại thời điểm bà Liên qua đời, chỉ còn 2 người con còn sống là bà Võ Thị Phổ (SN 1960) và ông Võ Thung Dung (SN 1947). Ông Dung đã có văn bản khước từ nhận di sản thừa kế từ mẹ là bà Cao Thị Liên (được lập thành biên bản và có xác nhận của UBND xã Nghĩa Thành vào ngày 8/9/2004).
Sau đó, bà Phổ làm thủ tục thừa kế toàn bộ diện tích của bà Liên để lại nêu trên và được UBND huyện Châu Đức cấp giấy chứng nhận QSDĐ ngày 30/9/2004.
7 năm sau, năm 2011, giữa bà Phổ và các con của ông Dung xảy ra tranh chấp và xô xát vì liên quan đến diện tích đất thừa kế trên. Gia đình ông Dung gửi đơn lên UBND xã Nghĩa Thành đề nghị giải quyết tranh chấp về di sản thừa kế. Chính quyền địa phương tổ chức hòa giải nhưng không thành.
Ông Võ Thung Dung người tranh chấp tài sản thừa kế với bà Phổ từng có đơn xin từ chối nhận di sản thừa kế. |
Năm 2015, ông Võ Thung Dung đứng đơn khởi kiện bà Phổ ra tòa. Từ đó đến nay, việc tranh chấp đất đai giữa bà Phổ và gia đình ông Dung chưa được giải quyết dứt điểm. “Mẹ tôi không để lại di chúc. Việc phân chia tài sản thừa kế hàng thứ nhất chỉ có tôi và anh tôi, nhưng anh tôi đã làm đơn từ chối thừa kế di sản mẹ tôi để lại và đã được chính quyền địa phương xác nhận. Anh tôi là người câm điếc bẩm sinh, nhưng anh biết chữ. Tôi là thừa kế hợp pháp của mẹ tôi”, bà Phổ nói.
Ông Võ Mạnh Hiền (con trai ông Dung), đại diện cho ông Võ Thung Dung cho biết, sau khi bà Liên mất vài tháng, bà Phổ có gọi cho mẹ ông thông báo đến UBND xã Nghĩa Thành ký giấy nhận tiền hương khói vì gia đình bà nội ông là gia đình chính sách. Tuy nhiên, khi ba ông đến xã thì lại được yêu cầu ký vào giấy cam kết không nhận di sản thừa kế.
Ngoài ra, ông Hiền cho rằng, việc ký giấy cam kết của ba ông có nhiều khuất tất, không bảo đảm khách quan vì ông Dung là người câm, điếc bẩm sinh, không đủ năng lực hành vi dân sự thực hiện ký lập giấy cam kết không nhận di sản thừa kế. Ông Dung cũng không phải là người viết giấy cam kết đó.
“Tôi mong muốn TAND huyện Châu Đức sớm đưa vụ việc ra xét xử vì vụ việc kéo dài hơn 10 năm nay khiến gia đình tôi rất mệt mỏi”, ông Hiền kiến nghị.
Đến thời điểm hiện tại, một phần diện tích đất nêu trên đã được bà Phổ bán cho người khác, một phần diện tích đất đã được nhà nước thu hồi để thực hiện dự án KCN Sonadezi. Diện tích đất tranh chấp còn lại gần 1.300m2. Hiện tại, căn nhà và diện tích đất tranh chấp trên vẫn đang do mẹ con bà Phổ ở và canh tác.
Trong đơn khởi kiện, nguyên đơn yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSDĐ đối với thửa đất 1.300m2 nói trên, đồng thời chia đôi số tiền nhà nước bồi thường cho gia đình bà Phổ khi giải tỏa thu hồi đất, với số tiền hơn 324 triệu đồng.
Cần làm rõ năng lực dân sự của ông Võ Thung Dung
Theo quy định của pháp luật dân sự hiện nay, người câm điếc bẩm sinh không có nghĩa là đương nhiên bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Nếu người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cảm thấy ông Dung bị hạn chế năng lực dân sự thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố người này bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Tòa án sẽ căn cứ vào giám định pháp y tâm thần để tuyên bố người câm điếc bẩm sinh này có bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hay không?
(Luật sư Đỗ Thành Trung, Văn phòng Luật sư Họ Vũ, TP. Vũng Tàu)
|
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Đào Trọng Hải, Chánh án TAND huyện Châu Đức cho hay, TAND huyện đã thụ lý, giải quyết vụ việc, đồng thời, tiến hành định giá tài sản tranh chấp. Sau đó, tháng 7/2020, gia đình ông Dung đã rút đơn khởi kiện nên TAND huyện Châu Đức đã ban hành quyết định đình chỉ vụ án. Đến tháng 12/2020, gia đình ông Dung lại có đơn khởi kiện bà Phổ (lần thứ 2) liên quan đến tài sản thừa kế.
“Việc giải quyết đơn của gia đình ông Dung đang được tạm thời đình chỉ và chưa được đưa ra xét xử do bà Phổ không hợp tác trong thẩm định giá tài sản. Chúng tôi đang nhờ các đơn vị liên quan can thiệp để tiến hành thẩm định giá tài sản thừa kế nói trên. Sau khi tài sản thừa kế được định giá, TAND huyện Châu Đức sẽ tiếp tục đưa vụ việc ra giải quyết”, ông Đào Trọng Hải thông tin thêm.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG