.

Vì sao chỉ số điện bị chênh lệch?

Cập nhật: 20:20, 19/09/2021 (GMT+7)

Một số hộ dân ở TP. Bà Rịa phản ánh, hóa đơn tiền điện trong tháng 9 có nhiều điểm bất thường, chỉ số điện tiêu thụ ghi trên hóa đơn cao hơn so với chỉ số trên đồng hồ. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã làm việc với ngành điện xung quanh vấn đề này.

Nhân viên điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu hướng dẫn khách hàng sử dụng app CSKH của ngành điện lực.Ảnh: VÂN ANH
Nhân viên điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu hướng dẫn khách hàng sử dụng app CSKH của ngành điện lực.Ảnh: VÂN ANH

Hóa đơn cao hơn thực tế điện sử dụng

Sau khi ngành điện thông báo hóa đơn tiền điện tháng 9 (chu kỳ từ ngày 6/8 đến 5/9), nhiều khách hàng trên địa bàn TP. Bà Rịa đã thắc mắc vì số tiền điện phải nộp tăng cao, mặc dù tiền điện trong tháng đã được hỗ trợ giảm giá theo chỉ đạo của Bộ Công thương. Ngoài ra, khi kiểm tra đồng hồ điện, người dân phát hiện chỉ số thấp hơn so với ghi trên hóa đơn.

Anh Nguyễn Thanh Sơn (phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) cho biết, tháng 8 vừa qua, hóa đơn tiền điện của gia đình anh hơn 1,9 triệu đồng, không những không giảm so với trước đây mà còn tăng thêm, dù đã được hỗ trợ giảm giá. Khi kiểm tra đồng hồ, anh phát hiện chỉ số điện năng tiêu thụ được ghi trong hóa đơn cao hơn chỉ số hiển thị trên đồng hồ. Cụ thể, chỉ số điện cuối kỳ trong hóa đơn là 14.588 KWh nhưng ngày 12/9, anh Sơn kiểm tra đồng hồ điện của gia đình thì chỉ số là 14.542 kWh, chênh lệch 46 kWh.

Tương tự, chị Phạm Thị Tươi (khu phố 4, phường Phước Nguyên) cũng cho biết, trong tháng vừa qua, gia đình chị nhận được hóa đơn tiền điện với thông tin chỉ số cuối kỳ là 4.858 kWh. Tiền điện của gia đình hơn 3 triệu đồng. Ngày 15/9, chị Tươi kiểm tra đồng hồ điện thì phát hiện, chỉ số thực tế là 4.140, chênh lệch 718 kWh. “Tôi đề nghị ngành điện lực làm rõ vì sao lại có sự chênh lệch này, trong khi đó nhu cầu sử dụng điện của gia đình tôi không tăng so với trước đây”, chị Tươi bày tỏ.

Thậm chí mức chênh lệnh chỉ số cuối kỳ giữa hóa đơn và thực tế trên đồng hồ có trường hợp lên đến hàng ngàn kWh như gia đình chị Huỳnh Thị Xuân Trang (phường Phước Hưng). Hóa đơn tiền điện trong tháng 9 của gia đình chị chênh lệch khoảng 2.444 kWh. Sau khi phát hiện sự bất thường này, gia đình chị Trang đã phản ánh với ngành điện lực và đã được hoàn lại số tiền chênh lệch. Tuy nhiên, chị Trang băn khoăn là nếu gia đình chị không phát hiện thì số tiền này liệu có được hồi lại?

Qua tìm hiểu của phóng viên cho thấy, hầu hết các khách hàng phản ánh về số điện chênh lệch đều sử dụng đồng hồ (công tơ) cơ không đo được chỉ số tiêu thụ điện từ xa mà phải ghi thủ công, nhìn trực tiếp bằng mắt thường để thực hiện. Những trường hợp chênh lệch cao đều có chỉ số tiêu thụ điện hàng tháng cao.

Hộ anh Nguyễn Thanh Sơn (phường Phước Nguyên, TP.Bà Rịa), chỉ số điện ở đồng hồ thấp hơn chỉ số cuối kỳ trên hóa đơn thanh toán hơn 46 kWh.
Hộ anh Nguyễn Thanh Sơn (phường Phước Nguyên, TP.Bà Rịa), chỉ số điện ở đồng hồ thấp hơn chỉ số cuối kỳ trên hóa đơn thanh toán hơn 46 kWh.

Đã chủ động xin lỗi người dân và điều chỉnh

Liên quan đến nội dung người dân phản ánh, ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Khi tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg để phòng, chống dịch từ ngày 19/7, Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu đã kêu gọi khách hàng tăng cường giao dịch trực tuyến với ngành điện, không đến trực tiếp tại các phòng giao dịch. Trong thời gian này, công tác ghi chỉ số điện kế, phúc tra chỉ số điện kế được thực hiện qua hệ thống đo từ xa. Riêng với các khách hàng chưa được lắp đặt công tơ điện tử, ngành điện lực đã chủ động tiếp tục triển khai công tác ghi điện đối với những khu vực có thể triển khai được, nhưng phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với những khu vực không thực hiện đến trực tiếp ghi số điện được do giãn cách xã hội thì ngành điện lực đã thống kê danh sách và gửi tin nhắn SMS, đề nghị khách hàng phối hợp với ngành điện, báo chỉ số công tơ hoặc chụp ảnh chỉ số công tơ.

Trong trường hợp khách hàng không phản hồi, điện lực thực hiện tạm tính theo phương án bình quân sử dụng ngày của tháng liền kề trước đó, đồng thời thông báo cho khách hàng về phương pháp, kết quả tạm tính này theo quy định. Do đó, hóa đơn tiền điện trên là tạm tính cho tới thời điểm thanh toán cho một tháng. Trong quá trình thực hiện tạm tính, có sự tính toán chưa chính xác nên dẫn đến sự cố chênh lệch số kWh như khách hàng phản ánh. “Sau khi nhận được thông tin từ khách hàng về việc chênh lệch chỉ số, ngành điện lực đã nhanh chóng làm việc với khách hàng để xác minh, đồng thời giải thích rõ nguyên nhân, xin lỗi khách hàng và điều chỉnh hóa đơn tiền điện theo số đo thực tế của khách hàng”, ông Trần Thanh Hải nói.

Theo giải thích của ông Hải, về việc sai số quá cao trong thời kỳ giãn cách có thể do trong tháng 8 và 9, một số hộ gia đình nhu cầu sử dụng điện giảm, do nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh phải ngưng hoạt động, hay giảm các nhu cầu sử dụng điện khác, nên lượng điện tiêu thụ giảm. Do đó, khi ước tính theo số ngày sử dụng của tháng trước đó liền kề so với tình hình sử dụng điện thực tế của khách hàng sẽ có chênh lệch và mức độ tăng hoặc giảm tùy theo tình hình sử dụng điện tháng 8 và 9 của khách hàng.

Ông Hải cũng cho biết, hiện nay, ngành điện đưa ra rất nhiều giải pháp thanh toán điện tử: qua ngân hàng, ví điện tử... nên rất thuận lợi cho khách hàng. Trong trường hợp, khách hàng chưa thể thanh toán đúng hạn, ngành điện lực cũng chỉ đạo không cắt điện khách hàng do nợ tiền điện trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Sau khi hết giãn cách sẽ tiến hành truy thu, nhắc nợ.

Ông Hải cũng cho biết thêm, tính đến tháng 8/2021, số công tơ đo xa (chỉ thực hiện trên công tơ điện tử) của toàn tỉnh chỉ mới chiếm tỷ lệ 54,5%. Tức là còn khoảng 192.000 khách hàng đang sử dụng công tơ điện cơ, chưa thể đo xa. Theo lộ trình của Tổng Công ty Điện lực miền Nam, giai đoạn 2021-2025, ngành điện lực sẽ phải hoàn tất 100% công tơ điện tử đọc từ xa cho khách hàng. Trước mắt, để khắc phục việc ghi sai chỉ số công tơ điện, ngành điện lực sẽ cho phúc tra sản lượng điện trong kỳ nếu phát hiện điện tăng bất thường từ 30% trở lên so với tháng liền kề. Đối với nhân viên điện lực tùy theo mức độ sai phạm trong công tác ghi chỉ số điện Công ty sẽ đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp để xử lý.

Theo thống kê, tổng số khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh là 424 ngàn khách hàng, trong đó có 363 ngàn khách hàng điện sinh hoạt; gần 192 ngàn khách hàng sử dụng công tơ cơ. Khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ. Lịch ghi chỉ số công tơ được quy định trong hợp đồng mua bán điện và được EVN cho biết đơn vị điện lực công khai, bảo đảm khách hàng biết và kiểm tra.

Về việc thống kê số lượng khách hàng bị tính sai, hiện tại, do đang thời điểm giãn cách xã hội nên ngành điện chưa thể kiểm tra lại. Ngay sau khi kết thúc đợt giãn cách, Công ty điện lực sẽ tổ chức rà soát việc ghi chỉ số công tơ cho toàn bộ khách hàng ghi tạm ước để điều chỉnh hóa đơn theo thực tế đúng quy định, đảm bảo đúng định mức bậc thang đối với tất cả nhóm khách hàng sinh hoạt, không riêng gì các trường hợp khiếu nại. “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, ngành điện không đến ghi số điện tại nhà khách hàng được, mà thực hiện việc tạm tính nên đã có những sai số. Chúng tôi rất mong khách hàng thông cảm và chia sẻ. Sau khi hết giãn cách, chúng tôi sẽ rà soát lại và điều chỉnh số tiền điện theo đúng số hiển thị trên công tơ điện của khách hàng. Tuyệt đối không để khách hàng phải thiệt thòi. Chúng tôi xin cảm ơn những ý kiến phản ánh của khách hàng, để ngành điện rút kinh nghiệm và ngày càng hoàn thiện hơn, cung cấp dịch vụ điện tốt hơn, mang lại sự hài lòng và tin tưởng cho khách hàng nhiều hơn. ”, ông Hải nói.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

.
.
.