Xung quanh việc chi tiền hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19
Báo Bà Rịa-Vũng Tàu nhận được phản ánh, thắc mắc từ bạn đọc tại một số địa phương về đối tượng được hỗ trợ, việc chậm nhận được tiền hỗ trợ theo chính sách dành cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19... Phóng viên đã tìm hiểu một số trường hợp cụ thể dưới dây.
Công chức UBND phường Phước Hiệp, TP. Bà Rịa chi trả tiền hỗ trợ cho người bán vé số trên địa bàn. |
Sẽ sớm chi tiền hỗ trợ
Chị N.T.D., (hẻm 104 Võ Thị Sáu, phường Long Tâm TP. Bà Rịa) phản ánh: Vợ chồng chị đều là người khuyết tật. Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, vợ chồng chị làm tranh tại nhà bán để kiếm sống. Lúc rảnh rỗi, chồng chị D. còn đi bán vé số, chị D. làm bánh bán online. Từ khi địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, vợ chồng chị không còn duy trì được công việc như cũ và kinh tế rất khó khăn trong khi đang nuôi con nhỏ dưới 3 tuổi. Chồng chị D. chỉ được nhận hỗ trợ 750 ngàn đồng theo chính sách dành cho người bán vé số. Chị D. hỏi địa phương thì được trả lời trường hợp của chị không thuộc diện hỗ trợ.
Bà Phạm Thị Quế Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Long Tâm cho biết, vợ chồng chị D. là người khuyết tật nặng, đang nuôi con nhỏ. Hàng tháng, vợ chồng chị được hưởng tiền bảo trợ do nhà nước cấp cho người khuyết tật với số tiền 2,16 triệu đồng. Chồng chị D. bán vé số đã được hỗ trợ dành cho người bán vé số đợt 1 và phường đã lập danh sách, đang chờ xét duyệt hỗ trợ đợt 2. Từ khi dịch xảy ra tới nay, TP. Bà Rịa và phường đã có 7 lần trao quà hỗ trợ gia đình chị D. “Chị D. có khai báo làm bánh bán online nhưng chị không chứng minh được công việc kinh doanh tự do của mình. Chị D. cũng không cung cấp được địa chỉ các trang bán hàng của mình. Chúng tôi rất muốn hỗ trợ đối với các trường hợp này. Tuy nhiên, trường hợp của chị D. không đủ điều kiện hỗ trợ theo chính sách dành cho lao động tự do mất việc”, bà Phạm Thị Quế Minh giải thích.
Tương tự, một số người dân ở khu phố 1, phường Long Toàn phản ánh họ thuộc diện được hỗ trợ nhưng từ đầu đợt dịch lần thứ 4 tới nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ dù đã làm đơn từ lâu.
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Trần Văn Sen, Chủ tịch UBND phường Long Toàn cho biết, phường đã nhận hơn 3.000 hồ sơ của người dân trên địa bàn đề nghị xét hỗ trợ. Tuy nhiên, quá trình nhập dữ liệu hồ sơ, phường không thể nhập theo thứ tự người nộp trước hay sau và quá trình xét duyệt ở cấp trên cũng vậy mà phải nhập và duyệt theo từng đợt, mỗi đợt có vài trăm người được xét duyệt. Ngoài ra, một số trường hợp phải làm lại hồ sơ do chưa đầy đủ thông tin... là những lý do khiến việc chi trả tiền hỗ trợ bị chậm. “Các trường hợp phản ánh ở khu phố 1 đang chờ phê duyệt. Khi có quyết định, địa phương sẽ đến tận nhà chi trả cho người dân”, ông Sen nói.
Ai được hỗ trợ?
Một trường hợp khác phản ánh về việc vợ có hộ khẩu ở xã Long Phước, TP. Bà Rịa, còn chồng hộ khẩu ở TP. Hồ Chí Minh. Tháng 4 vừa qua, chị này mua nhà ở huyện Long Điền và sinh sống ở Long Điền nhưng chưa đăng ký tạm trú. Bạn đọc này cho biết, chị làm việc tự do, như vậy có được hưởng tiền trợ cấp dành cho lao động tự do mất việc hay không, thủ tục thế nào.
Ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, trường hợp này nếu làm công việc nằm trong danh mục quy định nghề tại Quyết định số 2558/QĐ-UBND tỉnh thì sẽ được hưởng trợ cấp dành cho lao động tự do mất việc. Trong trường hợp nằm trong danh mục công việc được hưởng trợ cấp, chị cần liên hệ với tổ trưởng tổ dân cư hoặc số điện thoại đường dây nóng tại địa phương để được hướng dẫn hoàn tất thủ tục nhận tiền trợ cấp.
UBND tỉnh đã có Quyết định số 2558 /QĐ-UBND ngày 30/8/2021 về sửa đổi, bổ sung Quyết định 1986/QĐ-UBND tỉnh về quy định đối tượng, định mức và thủ tục hỗ trợ cho người lao động không giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo điểm 12, mục II, Nghị quyết 68.
Theo đó, lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) làm các ngành nghề, công việc chính sau: buôn bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; bán vé số lưu động; thu gom rác, thu mua phế liệu; bốc xếp, vận chuyển hàng hóa; lái xe ôm, xích lô, ba gác; lái xe chở khách, chở hàng thuê; tự làm, làm việc cho cá nhân, làm việc tại các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, vận tải, thương mại không có hợp đồng lao động; lao động làm thuê trong công việc: đánh bắt hải sản gần bờ, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch hoa màu không có hợp đồng lao động.
Lao động tự do được hỗ trợ khi đủ điều kiện sau: cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 11 và Điều 19 Luật cư trú năm 2020. Trường hợp không thuộc diện thường trú, tạm trú thì phải sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh trước ngày 1/5/2021. Dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm: yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND các cấp, BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 các cấp, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác hoặc có xác nhận của chính quyền địa phương về việc mất việc làm.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN