Khởi kiện đòi tài sản hay chia di sản thừa kế?
Bà Nguyễn Thị H. (phường 11, TP. Vũng Tàu) gửi đơn đến Báo Bà Rịa-Vũng Tàu nhờ tư vấn nội dung sau: cha mẹ bà là ông Nguyễn Văn T. và bà Nguyễn Thị L.. Ông bà có 3 người con gồm bà Nguyễn Thị H., ông Nguyễn Văn M., Nguyễn Văn N.. Lúc còn sống, cha mẹ bà H. có tạo lập được khối tài sản chung là một căn nhà cấp 4, một gian bếp ngoài, một cái giếng nằm trên phần đất có diện tích 400m2 đất tại thành phố B., tỉnh B.
Năm 1990 cha bà H. qua đời. 2 năm sau, mẹ bà tổ chức họp gia đình và chia đất cho 3 người con. Việc chia đất có lập văn bản bằng giấy viết tay và cả 3 người đều ký vào văn bản này. Theo đó, ông M. được chia 200m2 đất do có nhiều công sức đóng góp cho gia đình và có công chăm sóc cha mẹ. Ông N. và bà H. mỗi người được chia 100m2. Sau khi được chia đất, ông M. đã xây dựng nhà ở trên đất, còn bà H. thì đi nơi khác làm ăn, không trực tiếp sử dụng đất này, bà H. có nhờ ông N. trông coi và quản lý đất này giùm bà. Thời điểm đó, ông N. có nhà ở chỗ khác nên không xây nhà ở tại phần đất được chia và cũng đồng ý trông coi, quản lý đất giúp cho bà H..
Năm 1994, mẹ bà H. qua đời. 10 năm sau, ông N. đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bao gồm cả phần đất của ông và bà H. nhưng không cho bà H. biết. Năm 2018, ông N. làm thủ tục sang tên cho con của ông là chị D. thì bà H. biết được nên đã làm đơn ngăn chặn không cho chuyển nhượng và làm đơn khởi kiện ra tòa án.
Bà H. thắc mắc trường hợp này, bà khởi kiện yêu cầu đòi lại tài sản hay khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế?
Trường hợp này, chúng tôi giải đáp như sau:
Đây là tài sản của cụ T. và cụ L. khi còn sống tạo lập được. Cụ T. mất năm 1990 không để lại di chúc. Năm 1992 cụ L. tổ chức họp gia đình và đứng ra chia đất cho các con, việc chia đất có lập văn bản bằng giấy viết tay, cả 3 người con đều ký xác nhận.
Cả 3 người gồm: ông M., ông N., bà H. đều thừa nhận đây là đất có nguồn gốc do cha mẹ để lại, tuy nhiên có lúc ông N. khai rằng đất này do ông tự khai phá, không phải đất do cha mẹ cho, nên không đồng ý chia lại đất cho bà H.. Ông N. cũng trình bày rằng, thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế đã hết. Ông M. xác nhận do đã được chia đất rồi nên không có yêu cầu hay tranh chấp gì và đề nghị tòa án giải quyết buộc ông N. trả cho bà H. 100m2 theo nội dung của văn bản chia đất do cụ L. lập vào năm 1992.
Như vậy, có cơ sở xác định nhà đất của cụ T., cụ L. đã được cụ L. và các thừa kế của cụ T. thống nhất phân chia tài sản chung xong từ năm 1992 và có đủ cơ sở xác định phần đất 200m2 đang do ông N. đứng tên, trong đó phần của bà H là 100m2. Việc phân chia đã được thực hiện trên thực tế; thỏa thuận phân chia không vi phạm quyền lợi của bất kỳ thừa kế nào, không ai tranh chấp tại thời điểm chia nhà đất, nên có cơ sở xác định nhà, đất không còn là di sản thừa kế của cụ T., cụ L. nữa mà đã chuyển thành tài sản thuộc quyền sử dụng hợp pháp của các cá nhân (3 người con), trong đó có phần của bà H.. Việc ông N. tự ý đăng ký và xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất luôn cả phần đất của bà H. là không đúng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà H..
Từ những phân tích trên, có cơ sở để xác định tài sản là di sản thừa kế của cha mẹ không còn (do đã được thống nhất chia từ năm 1992) nên không có cơ sở để khởi kiện yêu cầu chia di sản của cụ T., cụ L.. Do vậy, trường hợp này bà H. có quyền khởi kiện yêu cầu đòi lại tài sản là 100m2 đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bà do được chia từ năm 1992.
Luật sư TRƯƠNG THỊ THANH THỦY
(Đoàn Luật sư tỉnh)