Doanh nghiệp vận tải mừng
Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vẫn diễn biến phức tạp. Để phòng, chống dịch, nhiều DN vận tải phải cắt giảm số chuyến, tần suất hoạt động, một số tuyến vận tải hành khách cố định phải dừng hoạt động. Nắm bắt tình hình này, Bộ GT-VT đã đề xuất Chính phủ chưa xử lý vi phạm hành chính theo quy định về lắp camera trên phương tiện kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa.
Bộ GT-VT kiến nghị Chính phủ lùi thời hạn xử phạt hành vi không lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo, bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2022. |
DN VẬN TẢI GẶP KHÓ
Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định: xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái) trở lên và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera bảo đảm ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong quá trình tham gia giao thông. Thời hạn hoàn thành trước ngày 1/7/2021.
Ông Nguyễn Thành Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Anh Quốc, hiện có 16 đầu xe Limousine đăng ký dịch vụ theo hình thức hợp đồng đưa đón khách đi TP. Hồ Chí Minh, sân bay Tân Sơn Nhất cho biết: “Việc giám sát online, doanh nghiệp không còn phải lo những hành vi mất an toàn trên đường hay lái, phụ xe có thái độ không tốt với hành khách. Lắp camera giám sát trên các xe kinh doanh vận tải sẽ giúp quản lý của doanh nghiệp hiệu quả, hành khách cũng được đảm bảo quyền lợi.
Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động vận tải. Để phòng, chống dịch, nhiều tuyến tuyến xe khách cố định phải tạm dừng hoạt động do đến vùng có dịch. Các tuyến khác phải thực hiện giãn cách, giảm 50% số hành khách trên tổng số ghế nhưng cũng có rất ít hành khách, khiến DN sụt giảm doanh thu, thậm chí không có doanh thu.
Ông Trần Ngọc Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng cho biết, hãng xe Toàn Thắng có khoảng 500 đầu xe, trong đó chủ yếu hoạt động tuyến Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Từ ngày 1/6, tuyến Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại đã dừng hoạt động. Dù không có nguồn thu nhưng DN vẫn phải chi các khoản cố định như lãi vay ngân hàng, thuế, mặt bằng, BHXH cho người lao động, phí kiểm định, đường bộ, bến bãi… Do đó, DN chưa có điều kiện để lắp camera trên xe theo quy định. “Chi phí lắp camera từ 6-8 triệu đồng/xe. Nếu lắp camera cho cả đoàn 500 chiếc, chúng tôi phải chi phí thêm gần 4 tỷ đồng. Trong thời điểm này, đây là gánh nặng lớn với DN. Vì vậy, chúng tôi rất mong Chính phủ xem xét cho lùi thời gian xử phạt hành vi chưa gắn camera trên xe để DN có thời gian hồi phục kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Khanh nói.
Nhiều DN kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh cũng bày tỏ mong muốn tương tự. ông Dương Viết Tri, Trưởng Phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GT-VT) xác nhận, một số DN vận tải, hiệp hội vận tải trên địa bàn tỉnh cũng đã có kiến nghị gửi Sở GT-VT xin tạm dừng việc gắn camera trên xe trong thời điểm này. “Được biết, Bộ GT-VT đã có kiến nghị Chính phủ lùi thời gian gắn camera và triển khai việc xử phạt nếu không gắn camera. Địa phương đang chờ hướng dẫn cụ thể của cơ quan cấp trên”, ông Tri nói.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 quy định mức xử phạt đối với tài xế điều khiển phương tiện không được trang bị camera giám sát trên xe và đơn vị kinh doanh vận tải như sau: Đối với tài xế lái xe không lắp camera hoặc có lắp nhưng camera không ghi, không lưu trữ hình ảnh theo quy định: Phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng; Đối với đơn vị kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát ô tô cho phương tiện theo quy định hoặc có lắp nhưng không đúng quy định, không thực hiện truyền dữ liệu và không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Phạt từ 5 triệu đến 6 triệu đồng (đối với cá nhân) và từ 10 triệu đến 12 triệu đồng (đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải). |
LÙI XỬ PHẠT SANG NĂM 2022
Trước khó khăn của các DN vận tải trên toàn quốc, Bộ GT-VT đã có văn bản kiến nghị Chính phủ chưa xử lý hành vi không lắp camera trên phương tiện kinh doanh vận tải. Theo phân tích của Bộ GT-VT, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, DN vận tải hàng hóa, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, hoạt động vận tải hành khách bị gián đoạn, có lúc phải dừng hoạt động hoặc chỉ được chở lượng khách bằng 50% sức chứa của phương tiện. Điều này dẫn đến doanh thu, sản lượng vận tải giảm sút nghiêm trọng.
Theo Bộ GT-VT, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP được triển khai từ 1/4/2020. Các DN vận tải đã và đang lắp đặt camera trên xe ô tô nhưng tiến độ rất chậm, không thể xong trước ngày 1/7/2021 như quy định. Một số sở GT-VT, hiệp hội vận tải đề nghị cho phép lùi thời hạn lắp đặt camera hoặc tạm thời chưa xử lý vi phạm đối với hành vi chưa lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Do vậy, Bộ GT-VT đề nghị Chính phủ lùi thời hạn xử phạt hành vi chưa lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo và bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2022; đối với vận tải hành khách là từ ngày 1/7/2022.
Bài, ảnh: CHƯƠNG NGUYỄN