Cần sớm trồng cây thay thế khi tuyến đường hoàn thành
51 cây xanh lâu năm đã được chặt hạ, phục vụ thi công đường Thống Nhất (nối dài). Việc làm này đương nhiên dẫn đến ý kiến trái chiều, nhưng theo khảo sát của Báo BR-VT, đa số đều đồng thuận. Nhiều người cho rằng, đôi khi chúng ta vẫn buộc phải hy sinh để đổi lại những giá trị lớn lao hơn.
ÔNG LÊ HUY HỮU HIỆP, TỔNG GIÁM ĐỐC UPC
Nhiều cây đã ngừng sinh trưởng, “sức khỏe” yếu
Theo số liệu khảo sát trên các đoạn đường Lý Thường Kiệt đến đường Trương Công Định trong phạm vi thi công xây dựng công trình đường Thống Nhất (nối dài) có tổng cộng 28 cây xanh lớn (lộc vừng, xà cừ, bàng, xoài, nhạc ngựa, sanh...). Số cây này đều là cây lâu năm và không cùng chủng loại. Nhiều cây có bộ rễ lớn, ăn vào mặt đường hiện hữu. Có cây đã bị mục một phần thân. Nhiều cây đã đến giai đoạn ngưng sinh trưởng. Ngoài ra, theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị về hệ thống cây xanh lớn bị đổ, gãy qua các đợt mưa, bão trên địa bàn TP. Vũng Tàu cũng cho thấy, “sức khỏe” của nhiều cây xanh không tốt, dễ gãy đổ qua các đợt mưa bão. Cụ thể, cơn bão năm 2006, trên đường Thống Nhất (đoạn từ đường Lý Thường Kiệt đến đường Trương Công Định) có 18 cây xanh lớn bị đổ gãy. Và gần nhất vào mùa mưa bão năm 2019 tại đường Trương Công Định đoạn từ ngã sáu Trần Đồng đến đường Quang Trung có 2 cây xanh bị đổ gãy.
Với hiện trạng cây xanh như vậy, cộng với nhu cầu về việc thi công đường, có thể khẳng định, chúng ta chỉ có thể lựa chọn “1 trong 2”, không thể lựa chọn cả hai.
ÔNG MAI TRUNG HƯNG, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ XÂY DỰNG
Xét đến cùng đó cũng là việc làm cần thiết phục vụ dân sinh
Trước đây, để giữ lại cây xanh trên đường Trương Công Định, đơn vị thi công phải đổ bê tông thép để gia cố, ghìm xuống nhưng rễ cây vẫn bung lên làm hỏng mặt đường gây mất mỹ thuật và mất an toàn. Do đó, khi thi công tuyến đường Thống Nhất (nối dài), tôi nghĩ chủ đầu tư đã tính toán kỹ về hạng mục cây xanh. Theo đó, nếu giữ lại 28 cây xanh lớn trên các đoạn tuyến liên quan đến công trình này sẽ làm giảm khả năng thông hành, chỉ có thể bố trí được 4 làn xe chạy so với 6 làn xe chạy với phương án chặt hạ. Còn việc sử dụng giải phân cách 2 bên tuyến đường để giữ lại hàng cây xanh sẽ gây bất tiện cho việc đi lại, sinh hoạt hàng ngày của các hộ dân sinh sống dọc 2 bên tuyến; ngoài ra còn gây khó khăn cho việc tổ chức giao thông, bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến. Ngoài ra, do các cây xanh đã được trồng từ lâu, trong quá trình thi công các hệ thống hạ tầng kỹ thuật của công trình sẽ ít nhiều làm ảnh hưởng đến hệ thống rễ cây hiện hữu và có thể làm cho các cây xanh dễ bị đổ, gãy vào mùa mưa bão; gây ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân sinh sống dọc hai bên tuyến và cho các phương tiện khi lưu thông qua đoạn đường này. Theo phương án được duyệt, khi hoàn thành công trình, thành phố cũng sẽ trồng loại cây quý, có giá trị hơn và phù hợp với quy hoạch hơn đó là cây cẩm lai Bà Rịa.
Xét cho thấu đáo thì việc chặt cây xanh để mở rộng đường Thống Nhất liền mạch cũng là vì mục đích dân sinh, vì mục tiêu phát triển bền vững của thành phố. Không có gì là mãi mãi và cây xanh cũng vậy.
ÔNG ĐINH CÔNG TIẾN, NGƯỜI DÂN SINH SỐNG Ở ĐƯỜNG TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH (PHƯỜNG 3, TP.VŨNG TÀU)
Cần sớm trồng cây thay thế khi tuyến đường hoàn thành
Việc chặt hạ hàng cây xà cừ để mở rộng đường Thống Nhất nối dài là phù hợp với sự phát triển của TP. Vũng Tàu. Khi đường Thống Nhất nối dài được mở rộng sẽ giải tỏa vấn đề ùn tắc giao thông cho các tuyến đường như: Lý Thường Kiệt, Lê Lai, Trương Công Định… Khi đường mở rộng, chúng tôi cũng đề nghị cơ quan chức năng tích cực trồng những cây mới, để tuyến đường được khang trang.
BÀ LÊ THỊ NGA, CHỦ TỊCH HỘI SINH VẬT CẢNH TỈNH
Đôi khi chúng ta phải hy sinh
Dù rất quý giá, nhưng nếu các cơ quan chức năng cho rằng việc chặt bỏ để thi công tuyến đường là cần thiết và an toàn thì tôi nghĩ chúng ta cũng phải hy sinh. Hơn nữa, theo tôi, đó cũng không phải là nhóm cây di sản cần được đặc biệt bảo vệ. Hiện nay, tại BR-VT chỉ có 79 cây xanh (gồm bàng, bằng lăng, cây thị, điệp bèo) tại Côn Đảo được công nhận là cây di sản. Do đó, chúng ta chặt bỏ thì có thể trồng mới lại, để sớm có một hàng cây đẹp cho thế hệ mai sau.