TẠI KHU VỰC HẺM 11, NGUYỄN GIA THIỀU: Mất ăn, mất ngủ vì dòng kênh ô nhiễm
Phản ánh đến Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, các hộ dân tại hẻm 11, đường Nguyễn Gia Thiều (phường 12, TP. Vũng Tàu) cho biết, nhiều năm qua họ phải sống trong cảnh ô nhiễm do mùi hôi bốc lên từ đoạn kênh thoát nước trên địa bàn. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nay chưa được giải quyết dứt điểm.
Dòng nước tại đoạn kênh hẻm 11, Nguyễn Gia Thiều, phường 12, TP. Vũng Tàu đen kịt thường xuyên bốc mùi hôi thối. |
Bà Lê Thị Thanh Bình (11/1A, Nguyễn Gia Thiều) phản ánh, trước đây, khi gia đình bà mới chuyển về sinh sống ở khu vực này, tình trạng ô nhiễm chưa nghiêm trọng như bây giờ. Theo thời gian, mức độ ô nhiễm ngày càng tăng, đến nay thì quá sức chịu đựng của người dân. “Mùi hôi xộc vào mũi suốt ngày đêm. Ruồi muỗi nhiều vô kể, nhất là những hôm trời nắng nóng. Chúng tôi phải đóng cửa im ỉm cả ngày vì không chịu được mùi hôi, ăn uống cũng không thấy ngon miệng. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm, xử lý tình trạng ô nhiễm trên”, bà Bình bày tỏ.
Tương tự, bà Phạm Thị Len (11/3A, Nguyễn Gia Thiều) cho biết, tình trạng ô nhiễm trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Đặc biệt, trẻ em và những người già như bà hay mắc các bệnh về hô hấp. Do không chịu được mùi hôi nên một số hộ đã rao bán nhà, chuyển đi nơi khác sống.
Có mặt tại hẻm 11, Nguyễn Gia Thiều trong mấy ngày qua, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận có tình trạng mùi hôi bốc lên từ kênh thoát nước đúng như người dân phản ánh. Qua quan sát, chúng tôi thấy đoạn kênh dài khoảng 100m, nối từ hẻm 32, Nguyễn Gia Thiều đến đường Võ Nguyên Giáp đã được xây bờ kè và lan can. Tuy nhiên, dòng nước luôn đen kịt và bốc mùi hôi nồng nặc do là nơi chứa nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư và các cơ sở chế biến, sản xuất chưa qua xử lý đổ về.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hẻm 32, Nguyễn Gia Thiều trước đây cũng có tình trạng ô nhiễm tương tự, nhưng từ khi TP. Vũng Tàu xây dựng cống hộp thì tình trạng ô nhiễm đã được khắc phục. “Dòng kênh nối từ hẻm 32, Nguyễn Gia Thiều ra đường Võ Nguyên Giáp giờ chỉ còn một đoạn khoảng hơn 100m lộ thiên. Chúng tôi mong chính quyền địa phương sớm xây dựng cống hộp trên đoạn kênh này để chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường”, bà Phạm Thị Huệ (11/1, Nguyễn Gia Thiều, phường 12) bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Hạnh, chuyên viên Phòng TN-MT TP. Vũng Tàu cho biết, đoạn kênh tại hẻm 11, Nguyễn Gia Thiều là dòng chảy của kênh Đồng Sát 1 (nối từ hẻm 121, Đô Lương, phường 11 tới đường Phước Thắng, phường 12). Tuyến kênh này đang tiếp nhận lượng nước thải sinh hoạt của hàng trăm hộ dân, cùng nhiều DN, cơ sở chế biến trên địa bàn thành phố, nhưng chưa được thu gom, xử lý dẫn đến ô nhiễm như phản ánh của người dân. “Thành phố đang thực hiện dự án thu gom nước thải sinh hoạt trong các khu dân cư trên địa bàn để xử lý trước khi đưa ra môi trường. Tuy nhiên, dự án này mới được triển khai ở các tuyến đường trong khu vực các phường trung tâm của thành phố. Riêng khu vực trên chưa được thu gom để xử lý trước khi ra môi trường”, ông Hạnh thông tin thêm.
Ông Trần Quốc Thịnh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng 2, TP. Vũng Tàu cho biết, khi xây dựng kênh Đồng Sát 1, chủ trương của lãnh đạo tỉnh và TP. Vũng Tàu là nhằm giải quyết triệt để tình trạng xả thải, rác thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường; giải quyết tình trạng người dân lấn chiếm đất kênh mương làm thu hẹp dòng chảy. Phương án xây dựng tuyến kênh này là xây kè mương hở, về lâu dài sẽ làm tuyến đường giao thông 2 bên tạo cảnh quan và hồ điều hòa cho thành phố. Chủ trương này đang được triển khai thực hiện giai đoạn 3. Dự kiến, dự án xây dựng kênh Đồng Sát 1 sẽ hoàn thành trong năm 2021. Sau khi hoàn thành, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng 2 sẽ giao lại cho Sở Xây dựng quản lý. Sở sẽ làm việc với các phường về việc thu gom, xử lý nước thải trước khi thải ra con kênh này để bảo đảm môi trường.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG