Nhà đang ở bỗng dưng có người đến đòi?

Thứ Sáu, 19/02/2021, 18:22 [GMT+7]
In bài này
.

Gửi đơn đến Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, bà Nguyễn Thị Phước Khánh (ấp Phước Tân II, xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa) phản ánh về việc ngôi nhà đang ở bỗng nhiên có người đến đòi, dù trước đó gia đình không hề bán.

Bà Nguyễn Thị Phước Khánh (ấp Phước Tân II, xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa) bên căn nhà đang tranh chấp.
Bà Nguyễn Thị Phước Khánh (ấp Phước Tân II, xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa) bên căn nhà đang tranh chấp.

THẾ CHẤP, MẤT NHÀ?

Theo trình bày của bà Nguyễn Thị Phước Khánh, bà có căn nhà tình thương được xây dựng trên miếng đất diện tích 184m2 tại ấp Phước Tân II (xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa). Năm 2011, vì cần tiền để làm ăn nên bà vay của bà Phạm Thị Liên (phường 7, TP. Vũng Tàu) 50 triệu đồng.

Khi vay, bà thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ) của căn nhà và diện tích khu đất nêu trên cho bà Liên. Bà Liên nhiều lần đề nghị bà Khánh ra công chứng để ký hợp đồng (HĐ) chuyển nhượng sổ đỏ nhưng bà Khánh từ chối. Sau đó bà Liên giải thích rằng việc ký HĐ này chỉ để làm tin, bảo đảm khoản vay và cam kết sẽ trả lại sổ đỏ khi bà Khánh trả lại tiền vay. Tin lời, bà Khánh đồng ý ký HĐ chuyển nhượng quyền sử dụng đất để bảo đảm khoản vay trên.

Thời gian sau, bà Khánh đã gom đủ tiền trả nợ cho bà Liên và yêu cầu trả lại sổ đỏ như đã cam kết thì được biết, sổ đỏ bị thất lạc. Tuy nhiên qua tìm hiểu, bà Khánh phát hiện sổ đỏ đã được sang tên cho bà Liên. Sau đó, bà Liên đã chuyển nhượng cho người khác. Hiện tại, sổ đỏ nêu trên do bà Nguyễn Thị Hiếu (xã Long Phước, TP. Bà Rịa) đứng tên. “Khi vay tiền, tôi và bà Liên có thỏa thuận bằng giấy viết tay nhưng tờ giấy này bị thất lạc. Tôi không bán căn nhà và diện tích đất đang ở mà chỉ ký HĐ chuyển nhượng để bảo đảm khoản vay. Do đó, mong muốn của tôi là lấy lại được nhà và đất để tôi và các cháu có chỗ ở”, bà Khánh bày tỏ.

Ông Nguyễn Phước Lễ (em trai bà Khánh) cho hay, bà Nguyễn Thị Phước Khánh không có việc làm ổn định, có bệnh về thần kinh, ít học nên không am hiểu về pháp luật. Nhiều năm nay, bà Khánh phải nuôi 2 cháu nội do ba mẹ các cháu đã bỏ đi nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Căn nhà 3 bà cháu đang ở là nhà tình thương, do mẹ bà cho. Tuy nhiên, căn nhà bị xuống cấp, nên nhiều năm nay bà Khánh phải dựng cái lều bên cạnh để bà cháu có chỗ ở.

GIẢI QUYẾT RA SAO?

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi ký HĐ chuyển nhượng với bà Khánh, bà Liên đã làm thủ tục chuyển sang tên mình và bán cho bà Nguyễn Thị Kim Lý (phường 2, TP. Vũng Tàu). Tháng 9/2013, bà Lý chuyển nhượng lại cho bà Nguyễn Thị Hiếu. Sau khi mua và đứng tên chủ sở hữu, bà Hiếu đã nhiều lần yêu cầu bà Khánh dời đi nhưng bà Khánh không đồng ý. Bà Hiếu đã gửi đơn khởi kiện bà Khánh ra TAND TP. Bà Rịa để giải quyết. TAND TP. Bà Rịa đang thụ lý vụ việc. “Khi mua đất, tôi được chị Lý cho biết, bà Khánh chỉ là người ở nhờ và khi tôi cần lấy đất, bà Khánh sẽ di dời khỏi phần đất đó. Tuy nhiên, tôi đã nhiều lần yêu cầu bà Khánh dời khỏi nhà để trả cho tôi nhưng bà không chịu”, bà Nguyễn Thị Hiếu cho biết.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng (TP. Bà Rịa) cho biết, địa phương đã nhiều lần hòa giải giữa các bên nhưng không thành. Vì vậy, UBND xã đã hướng dẫn bà Khánh khởi kiện ra tòa.

Luật sư Trương Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty Luật Trương Thanh (huyện Long Điền) phân tích: căn cứ Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi các bên xác định giao dịch dân sự giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo bị vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực. Giao dịch dân sự này bị vô hiệu theo quy định của Luật này hoặc luật liên quan trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ đối với bên thứ 3. Đối với trường hợp bà Khánh, để xác định được giao dịch dân sự của bà là giả tạo, để bảo đảm khoản vay, bà Khánh phải chứng minh được việc ký hợp đồng của mình là hợp đồng giả cách, chỉ nhằm bảo đảm tiền vay.

Luật sư Trương Thị Thanh Thủy khuyến cáo, để hạn chế nguy cơ mất nhà, mất đất khi thế chấp để vay tiền, người dân phải tỉnh táo khi lập hợp đồng mua bán, chuyển nhượng. Đây được xem là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên khi tiến hành thủ tục giao dịch bất động sản. Cần thiết nên tham khảo ý kiến của những người có hiểu biết, chuyên môn về luật pháp khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng tài sản như trên.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

;
.