Thật ra, cam thảo không hề có tác dụng hỗ trợ phòng ngừa dịch cúm. Trong YHCT, các bài thuốc được bào chế theo nguyên lý quân- thần- tá -sử. Đối với cam thảo là một vị thuốc có vai trò là “sứ” (sứ giả) để gắn kết các vị thuốc với nhau, do đó cam thảo được dùng phổ biến trong nhiều bài thuốc, chứ không phải là do cam thảo có tác dụng phòng dịch cúm nên được dùng trong tất cả các bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-Cov-2 do Bộ Y tế đưa ra. Mặt khác, cam thảo có tác dụng giải độc tính ở một số vị thuốc chữa bệnh có độc tính; do đó cũng được dùng nhiều trong các bài thuốc để hóa giải, trung hòa độc tính của vị thuốc chữa bệnh.
Bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh bốc thuốc thang điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: MINH THIÊN |
Cam thảo có vị ngọt, tính bình, ngoài tác dụng là “sứ”, vị thuốc này còn có tác dụng kiện tỳ, kích thích tiêu hóa dùng trong các trường hợp kén ăn, hay chướng bụng đầy hơi. Trong trường hợp cơ thể hay buồn bực, khó chịu làm tích tụ nhiệt có thể dùng cam thảo sắc nước uống để hóa giải.
Mặc dù có tác dụng hóa giải độc tính, song cam thảo nếu được không đúng cách có thể gây nguy hiểm cho cơ thể. Bởi cam thảo có đặc tính giữ nước nên với những người có bệnh thận, tiểu đường, cao huyết áp nếu sử dụng cam thảo liều cao có thể làm bệnh trầm trọng hơn. Bên cạnh đó cam thảo có thể tương tác với một số thuốc khác và gây ra các tác dụng không như mong muốn.
Vì vậy, khi sử dụng cam thảo dù chỉ để uống trà, ngậm chữa ho hay dùng trong một số món ăn cũng cần phải lưu ý; đặc biệt đối với những người có bệnh nền, bệnh mãn tính cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.
Cam thảo có thể dùng hằng ngày an toàn để kích thích tiêu hóa, hỗ trợ nâng cao đề kháng cho cơ thể. Cụ thể, sử dụng nước uống: Lấy 6-12 gram cam thảo khô, đun với 1 lít nước, uống trong ngày; Sử dụng ngậm: Lấy từ 1-2 lát cam thảo khô ngậm trong miệng để giảm các triệu chứng ho, đau họng.
Bác sĩ NGUYỄN TRƯỜNG SƠN (Trưởng Khoa Đông y, BV Lê Lợi)