Sử dụng đất tôn giáo để cho thuê kinh doanh là sai luật

Thứ Ba, 05/11/2019, 19:31 [GMT+7]
In bài này
.

Phản ánh tới Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, các hộ dân thuộc Họ đạo Thánh thất Cao Đài Long Phước (xã Long Phước, TP.Bà Rịa) cho biết, họ không đồng tình với việc ông Trần Hữu Phước - Hội trưởng Họ đạo Thánh thất Cao Đài Long Phước, tự ý dùng đất thánh thất để cho người thân sử dụng kinh doanh buôn bán nhưng không thông qua họ đạo. Phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã tìm hiểu vụ việc.

Hai căn nhà (1 trệt, 1 lầu) nằm trong diện tích đất của Thánh thất Cao Đài Long Phước đang được các con gái và con rể ông Trần Hữu Phước sử dụng vào mục đích ở và kinh doanh tạp hóa, văn phòng phẩm.
Hai căn nhà (1 trệt, 1 lầu) nằm trong diện tích đất của Thánh thất Cao Đài Long Phước đang được các con gái và con rể ông Trần Hữu Phước sử dụng vào mục đích ở và kinh doanh tạp hóa, văn phòng phẩm.

Theo trình bày của các hộ dân, Thánh thất Cao Đài Long Phước được hình thành từ năm 1952, hiện đang sử dụng hơn 2.100m2 đất tọa lạc tại ấp Phước Hữu, xã Long Phước, TP.Bà Rịa. Năm 2005, Họ đạo Thánh thất Cao Đài Long Phước (họ đạo) ủy quyền cho ông Trần Hữu Phước (Trưởng họ đạo) đứng ra xin phép xây dựng 2 nhà sinh hoạt tôn giáo trong diện tích đất của thánh thất. Đến năm 2010, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận việc cấp giấy phép xây dựng đối với 2 căn nhà sinh hoạt tôn giáo này. Tuy nhiên, lợi dụng giấy phép xây dựng này, ông Phước đã xây dựng 2 ki-ốt trong đất của thánh thất để con gái và con rể của ông làm nơi buôn bán tạp hóa, văn phòng phẩm. Đồng thời, ông Phước cũng cho người khác thuê một phần đất trong khuôn viên thánh thất để mở tiệm sửa chữa xe gắn máy. Điều này khiến cho các thành viên trong họ đạo bức xúc do không được bàn bạc, thông qua họ đạo biết.

Mặt khác, đầu năm 2019, khi tỉnh tiến hành mở rộng Tỉnh lộ 52, họ đạo được hỗ trợ tiền đền bù thu hồi đất thánh thất để giải phóng mặt bằng, nhưng ông Phước cũng không công khai việc này. Sau khi Nhà nước thu hồi đất, ông Phước đã đập bỏ 2 ki-ốt và xây dựng 2 căn nhà 1 trệt 1 lầu kiên cố trên khuôn viên của đất thánh thất để các con gái và con rể tiếp tục sử dụng kinh doanh. Việc xây dựng 2 căn nhà này ông Phước cũng không thông qua họ đạo. “Việc làm của ông Trần Hữu Phước là lợi dụng quyền hạn của Trưởng họ đạo, sử dụng đất của tôn giáo phục vụ cho mục đích cá nhân, trái với đạo lý và quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, chúng tôi mong muốn quý cấp có thẩm quyền can thiệp để ông Phước trả lại mặt bằng cho thánh thất, làm nơi sinh hoạt cho các bổn đạo”, ông Nguyễn Văn Hùng (đạo hữu Thánh thất Cao Đài Long Phước) kiến nghị.

Liên quan đến phản ánh trên, ông Trần Hữu Phước cho biết, năm 2010, sau khi xin được giấy phép xây dựng 2 căn nhà sinh hoạt của tôn giáo, ông Phước đã sử dụng tiền của gia đình để thực hiện. Sau khi 2 căn nhà được xây dựng xong, họ đạo chỉ tổ chức sinh hoạt được 2 lần, sau đó thì không còn sinh hoạt. Ông Phước có cho con gái sử dụng 2 căn nhà này làm chỗ buôn bán tạp hóa để gây quỹ hoạt động cho họ đạo với giá thuê 500 ngàn đồng/tháng, còn tiệm sửa xe cho thuê với giá 600 ngàn đồng/tháng. Theo ông Phước, các hoạt động cho thuê này đều được ông công khai với họ đạo và có hợp đồng cho thuê. Tuy nhiên, ông Phước chỉ cung cấp cho chúng tôi xem hợp đồng cho thuê đất của tiệm sửa xe gắn máy có diện tích khoảng 42m2 với giá 600 ngàn đồng/tháng. Còn hợp đồng thuê 2 căn nhà thì ông Phước không đưa ra.

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Long Phước cho biết, UBND xã đã tiến hành họp các hộ dân họ đạo và ông Trần Hữu Phước để xem xét vụ việc. Qua buổi làm việc vào ngày 24/10, hầu hết các phản ánh của hộ dân đều xoay quanh vấn đề ông Phước không công khai các hoạt động thu - chi của họ đạo như: tiền cho thuê mặt bằng, tiền hỗ trợ đền bù đất khi Nhà nước mở rộng Tỉnh lộ 52, tiền nhang khói hoạt động họ đạo… Đối với 2 căn nhà kiên cố liền kề hiện các con gái và con rể ông Phước đang sử dụng buôn bán cạnh bên nhà thờ thánh thất, đã được Sở Xây dựng cấp phép xây dựng từ năm 2010 với diện tích xây dựng mỗi căn nhà 73,35m2, diện tích sử dụng (1 trệt, 1 lầu) 201m2. “Việc các hộ dân khiếu nại ông Trần Hữu Phước sử dụng đất thánh thất họ đạo sai mục đích là có cơ sở. UBND xã sẽ tiếp tục tiến hành hòa giải, phân tích những quy định về sử dụng đất tôn giáo để các hộ dân và ông Phước được rõ và giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật”, ông Nguyễn Văn Tấn cho hay.

Theo Luật sư Thịnh Đình Quang (Hội Luật gia tỉnh), Điều 181 Luật Đất đai 2013 về “Quyền và nghĩa vụ của cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất”, quy định: Cơ sở tôn giáo sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. “Do đó, việc ông Trần Hữu Phước sử dụng đất của Thánh thất Cao Đài Long Phước là đất cơ sở tôn giáo vào việc cho thuê kinh doanh, buôn bán là sai quy định pháp luật về đất đai”, Luật sư Thịnh Đình Quang nhận định.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

;
.