.
TP.BÀ RỊA

Khu giết mổ gia cầm tập trung chưa hoạt động, vì sao?

Cập nhật: 18:58, 14/10/2019 (GMT+7)

Để di dời các cơ sở giết mổ gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, TP.Bà Rịa đã đầu tư khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung quy mô với số tiền lên đến hơn 135 tỷ đồng. Công trình đã hoàn thành gần 1 năm nay. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng được, dẫn đến tình trạng lãng phí, gây bức xúc cho người dân.

Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung TP.Bà Rịa hoàn thành gần 1 năm vẫn  “cửa đóng then cài”.
Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung TP.Bà Rịa hoàn thành gần 1 năm vẫn “cửa đóng then cài”.

Khu giết mổ nằm ở vị trí rất thuận tiện về giao thông, chỉ cách vòng xoay giao giữa Long Điền - Long Phước - Hòa Long chừng 300m. Xung quanh chủ yếu ruộng lúa với 2 cổng, cổng vào nằm trên Hương lộ 8, cổng ra nằm trên Hương lộ 2. Bên ngoài tường rào bao quanh màu vàng nhạt còn rất mới. Bên trong, đường nội bộ được bê tông nhựa sạch sẽ. Tất cả các hạng mục như: lò giết mổ, ô nuôi nhốt gia súc, nhà điều hành, nhà kho, bãi đậu xe, hệ thống điện chiếu sáng, nước sinh hoạt, trạm xử lý nước thải công suất 380m3/ngày đêm… đều đã hoàn thành và được bảo quản tốt. Khoảng 500 cây xanh gồm bằng lăng, dầu, si được trồng trên vỉa hè, quanh lối đi. Duy chỉ các ô nuôi nhốt gia súc cỏ mọc um tùm. Đơn vị thi công cũng bố trí 2 bảo vệ, 2 kỹ thuật trực ngày đêm chăm lo công tác vệ sinh quét dọn khuôn viên, bảo quản tài sản, thiết bị.

Thường xuyên qua lại khu vực này, ông Nguyễn Văn Dũng (ấp Nam, xã Hòa Long) cho hay, ông hoàn toàn ủng hộ khu giết mổ gia súc tập trung vì hạn chế ô nhiễm môi trường và dịch bệnh tiềm ẩn do hoạt động giết mổ nhỏ lẻ xen lẫn trong khu dân cư lâu nay, đồng thời kiểm soát được chất lượng nguồn thịt cung cấp ra thị trường. Thế nhưng, không biết vì sao công trình xây xong gần 1 năm nay nhưng vẫn cửa đóng then cài, mong chính quyền các cấp có lời giải thích cho nhân dân biết. Trong những lần tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh, nhiều cử tri xã Hòa Long, Long Phước cũng nêu thắc mắc về công trình.

Theo ông Trần Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND TP.Bà Rịa, nhằm chấn chỉnh hoạt động giết mổ gia súc nhỏ lẻ, di dời các lò giết mổ trong dân cư về điểm có hệ thống xử lý nước thải tập trung, giảm ô nhiễm môi trường, kiểm soát được dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm, từ năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung cho TP.Bà Rịa. Địa điểm xây dựng tại xã Long Phước, trên diện tích gần 9ha. Trong đó, diện tích phải giải phóng mặt bằng hơn 8,3ha. Tổng vốn đầu tư 135,4 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 60 tỷ đồng, xây dựng các hạng mục gần 50 tỷ đồng, mua sắm thiết bị gần 2 tỷ đồng, tư vấn đầu tư xây dựng hơn 3 tỷ đồng, chi phí dự phòng hơn 19 tỷ đồng… Sau khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, năm 2016, dự án được khởi công và hoàn thành vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, gần 1 năm trôi qua, công trình vẫn chưa thể hoàn công và đưa vào hoạt động.

Trên địa bàn TP.Bà Rịa có 10 cơ sở kinh doanh giết mổ gia súc được cấp phép hoạt động. TP.Bà Rịa cũng đã phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban chuyên môn xây dựng phương án tuyên truyền, vận động, sẵn sàng di dời các cơ sở giết mổ trên địa bàn khi khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đưa vào hoạt động. Bên cạnh đó, TP.Bà Rịa sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm các điểm giết mổ không phép, không chấp hành di dời ra khỏi khu dân cư vào khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
(Ông Trần Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND TP.Bà Rịa)

Lý giải nguyên nhân, ông Trần Vinh Quang cho hay, địa phương không có đơn vị nào có đủ chức năng quản lý, khai thác, vận hành khu giết mổ tập trung mà phải nâng lên thành cụm công nghiệp (CCN). Sau đó, sẽ giao về Công ty Đầu tư và Khai thác hạ tầng KCN quản lý, khai thác. Thế nhưng, theo quy định tại Nghị định 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN, diện tích CCN phải đạt tối thiểu 10ha. Do vậy, để được công nhận CCN, trong tháng 9/2019, TP.Bà Rịa đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương tăng diện tích thêm hơn 1ha nữa. “Xung quanh khu giết mổ tập trung tại xã Long Phước chủ yếu là đất nông nghiệp, không có nhà dân và công trình kiến trúc, nên công tác thu hồi đất, mở rộng dự án không quá khó. Sau khi UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, TP.Bà Rịa sẽ tiến hành ngay các bước đo đạc, kiểm kê, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng; đồng thời tiến hành song song thủ tục gửi Sở Công thương công nhận CCN”, ông Quang cho biết thêm.

Bài, ảnh: ĐAN CHÂU

.
.
.